BIDV thông báo bán đấu giá lần 9 khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh với dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh tính đến ngày 30/9/2021 là gần 2.540 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc gần 1.381 tỷ và số dư nợ lãi, phí phạt Công ty Ngọc Linh phải trả cho BIDV đã lên tới hơn 1.159 tỷ đồng.
Khoản nợ được bảo đảm bằng Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn (diện tích 643.885,2 m2) tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và các công trình dự án, tòa nhà, công trình xây dựng, các bất động sản khác gắn liền với đất, các phương tiện, máy móc, thiết bị và mọi bất động sản khác được xây dựng của nhà máy này.
Cùng với đó là quyền sử dụng và khai thác tài nguyên các mỏ nguyên liệu, nhà máy tuyển quặng, toàn bộ máy móc, thiết bị phục vụ cho việc khai thác mỏ và vận hành nhà máy.
Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có 2 bất động sản khác, gồm: quyền sử dụng 14.500 m2 đất tại xã Lạc Hồng, huyện Mỹ Văn (nay là huyện Văn Lâm), tỉnh Hưng Yên (đất nông nghiệp, hiện chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của ông Vũ Đức Tuấn và bà Trần Thị Vui tại địa chỉ 381 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm cũng bao gồm 1 xe ô tô Lexus LS 460 màu đen, năm sản xuất 2007 thuộc sở hữu của Công ty TNHH Ngọc Linh.
BIDV chào giá khởi điểm bán cho khoản nợ này là 1.247 tỷ đồng, tương đương 50% giá trị khoản nợ. Giá này không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác. Việc mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Trước đó, BIDV cũng từng 8 lần bán đấu giá khoản nợ này nhưng đều không thành công. Trong lần rao bán đầu tiên vào tháng 12/2020, BIDV từng chào giá khởi điểm 2.405 tỷ, bằng giá trị khoản nợ tính đến thời điểm đó. Như vậy, trong vòng 1 năm, mức giá chào bán của BIDV đã giảm gần một nửa.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Ngọc Linh được thành lập vào cuối năm 1993, trụ sở đặt tại số 381 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản với giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Đức Tuấn (sinh năm 1953).
Theo bản thông tin đăng ký doanh nghiệp mới nhất, Công ty TNHH Ngọc Linh hiện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, với 2 cổ đông góp vốn gồm Vũ Đức Tuấn (94,98%) và Trần Thị Vui (0,02%).
Ngoài lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản, Công ty TNHH Ngọc Linh còn là chủ đầu tư Dự án Công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở tại số 161 Yên Phụ (trước đây là số 151 Yên Phụ), phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án nhiều năm chưa được khởi công do vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Về Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn, đây là một trong nhà máy điện phân chì kẽm lớn nhất tỉnh Bắc Kạn với công suất 30.000 tấn/năm và tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn năm 2017, nhà máy điện phân chì kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh là một trong những dự án triển khai chậm tiến độ, gia hạn nhiều lần.
Một góc Nhà máy điện phân chì kẽm Ngọc Linh. (Nguồn: Báo Bắc Kạn)
Tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn vào tháng 5/2017, Công ty TNHH Ngọc Linh khẳng định sẽ quyết tâm triển khai thành công dự án nhà máy điện phân chì kẽm trên địa bàn.
Báo cáo của Công ty TNHH Ngọc Linh cho biết, dự án đầu tư nhà máy điện phân chì kẽm đã hoàn thành khoảng 95% phần xây dựng cơ bản và đang triển khai nhập khẩu, lắp ráp thiết bị. Vướng mắc lớn nhất mà doanh nghiệp này đang gặp phải đó là khó khăn về tài chính để nhập phần thiết bị còn thiếu và vấn đề nguyên liệu khi nhà máy đi vào hoạt động.
Dự kiến đến tháng 7/2017, công ty sẽ vận hành thử nghiệm 2 dây chuyền (thiêu kết quặng, thu hồi axit sunfuric) và tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại.
Đến năm 2018, dự án này đã thay đổi giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 8, tổng vốn đầu tư tăng lên 2.170 tỷ đồng (vốn góp của Công ty là 355,8 tỷ đồng, chỉ chiếm 16%).