KINH TẾ Bất động sản

BĐS chuyển 'mồi câu' khách hàng bằng mác ngoại

Admin

Để bán được sản phẩm, nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam chuyển hướng mời gọi doanh nghiệp quản lý vận hành để quảng cáo bán hàng.

Trong khi đó, doanh nghiệp nội lại chật vật trong sân chơi này dù đủ khả năng tham gia.

Mồi câu “mác ngoại”

Mới đây, một doanh nghiệp bất động sản phát triển hai dự án nghỉ dưỡng lớn tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và Hồ Tràm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố đã ký kết với thương hiệu quản lý và vận hành khách sạn Movenpick (thương hiệu khách sạn của tập đoàn Accor) rằng thương hiệu này sẽ quản lý vận hành các dự án của họ tại hai dự án trên.

Lễ ký kết được nhân viên môi giới bất động sản đang bán hai dự án trên quảng bá rộng rãi tới khách hàng của mình bằng những lời có cánh như đây là đơn vị quản lý nổi tiếng thế giới đến từ Pháp với hơn 5.000 khách sạn cũng như các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Đơn vị quản lý này sẽ xây dượng mô hình quản lý, vận hành khách sạn theo chuẩn cao cấp quốc tế…

Cũng tại Hồ Tràm, một dự án bất động sản đang được dân môi giới quảng cáo tới khách hàng mang tên Intercontinental Grace Celina Ho Tram Resort.

Theo lời quảng cáo của dân môi giới bất động sản đang chào dự án này thì dự án này với hơn 60 căn biệt thự biển, 600 căn hộ khách sạn 6 sao và được quản lý bởi công ty Intercontinental quốc tế…

Cuối năm 2019, Đơn vị quản lý vận hàng CBRE cũng công bố ký kết với CTCP Bất động sản Danh Khôi (DKRS) với nội dung CBRE sẽ là đơn vị quản lý vận hành và hợp tác khai thác khu phức hợp căn hộ, khách sạn, biệt thự cao cấp Aria Đà Nẵng Hotel & Resort…

Bà Nguyễn Thị Trinh, một tổng giám đốc của doanh nghiệp bất động sản đang phát triển dự án bất động sản biển tại TP. Vũng Tàu cho biết thực tế hiện nay các dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển đang rất khó bán nên để có thể bán được hàng thì buộc phải có những yếu thu hút khách hàng mua sản phẩm.

Trong đó, theo bà Trinh thì yếu tố ngoại đang được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu để quảng bá dự án.

“Việc không chọn doanh nghiệp quản lý vận hành Việt ở các dự án nghỉ dưỡng bởi thứ nhất khách hàng Việt Nam vẫn luôn có tâm lý sính ngoại, họ luôn nghĩ doanh nghiệp ngoại luôn làm tốt hơn doanh nghiệp nội.

Tiếp đó là việc để tôn giá trị sản phẩm của mình cũng như cạnh tranh được với những dự án khác trong khu vực dự án phát triển thì yếu tố ngoại cũng rất cần cho dự án.

Chính vì vậy, hiện nay trên 90% dự án bất động sản nghỉ dưỡng trước khi triển khai bán hàng thì việc đầu tiên chủ đầu tư phải làm là tìm kiếm một doanh nghiệp quản lý vận hành ngoại, càng lạ và nổi tiếng càng tốt để ký kết hợp tác rồi lấy đó để truyền thông quảng bá để tôn giá trị dự án mình lên”, bà Trinh cho biết.

Có mặt tại sàn giao dịch dự án bất động sản lớn của Tập đoàn Novaland tại đường Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM chiều ngày 20/12, PV gặp những khách hàng tới tìm hiểu mua sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, trao đổi với khách hàng tên Thắng, ngụ quận 2, TP.HCM về câu chuyện khi mua sản phẩm nghỉ dưỡng biển thực tế là để đầu tư sinh lợi với việc có thể bán lại sau khi dự án này được bàn giao chứ thực tế không quan tâm nhiều tới việc đơn vị nào sẽ quản lý vận hành dự án.

Còn bà Thúy, một khách hàng tìm hiểu mua dự án Hồ Tràm của Tập đoàn Novaland cho biết câu chuyện chủ đầu tư dùng đơn vị trong nước hay ngoài nước quản lý vận hành là chuyện của họ, khách hàng như bà Thúy khi mua sản phẩm nghỉ dưỡng để đầu tư chỉ quan tâm tới việc chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết lợi nhuận % hằng năm mà chủ đầu tư cam kết với khách hàng.

Còn một vị giám đốc bộ phận quản lý vận hành tập đoàn bất động sản lớn tại phía Nam chuyên phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng 2 năm qua tại Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng câu chuyện chọn đơn vị quản lý vận hành ngoại mà không phải trong nước đến từ nhiều khía cạnh trong đó có cả việc để quảng bá bán hàng.

Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp trong nước chưa đủ lực để quản lý các dự án nghỉ dưỡng, thêm vào đó là việc dùng thương hiệu quản lý vận hành ngoại để thu hút được khách nghỉ dưỡng ngoại tới các dự án.

Doanh nghiệp nội bị cho là “chốt thí” ở mảng quản lý vận hành

Bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus Corp, một doanh nghiệp quản lý vận hành lớn tại Việt Nam cho biết thực tế hiện nay doanh nghiệp quản lý vận hành trong nước gặp vô cùng khó khăn để có thể được chọn làm quản lý vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng như các dự án bất động sản nhà ở.

Kể câu chuyện buồn mới đây của doanh nghiệp mình khi được mời nộp hồ sơ năng lực làm quản lý vận hành dự án nghỉ dưỡng tại Bình Thuận, bà Hương kể khi làm hồ sơ dự thầu có 3 doanh nghiệp trong nước và 4 doanh nghiệp ngoại.

Trong khi đó, chiến lực phát triển doanh nghiệp quản lý vận hành của bà nhiều năm qua là hướng tới quản lý vận hành dự án nghỉ dưỡng biển nên đã thực hiện đầu tư công nghệ quản lý vận hành của nước ngoài, đào tạo nhân viên quản lý vận hành cao cấp… và hồ sơ của Venus Corp không hề thu kém doanh nghiệp ngoại, thế nhưng sau đó cả 3 doanh nghiệp trong nước đều bị loại.

Từ câu chuyện này, bà Hương cho rằng, hiện nay, cái khó của doanh nghiệp Việt đó là người dân và chủ đầu tư dự án vẫn còn tâm lý sính ngoại, nên không chịu cho doanh nghiệp nội vào tham gia quản lý vận hành.

“Doanh nghiệp tôi quản lý hơn 30 dự án bất động sản. Ngay từ năm 2016 khi thị trường bất động sản tiếp cận với công nghệ thông tin, chúng tôi đã nghiên cứu và viết ra nhưng app (ứng dụng) quản lý vận hành để đưa vào quản lý vận hành dự án bất động sản trước cả các doanh nghiệp ngoại áp dụng.

Thế nhưng, vẫn khó trong việc đấu thầu và cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại hiện nay”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, điểm khiến doanh nghiệp Việt lép vế trước doanh nghiệp ngoại là do doanh nghiệp nội đang phát triển tự phát, chưa có một nghiệp đoàn để liên kết lại với nhau, tạo ra một sân chơi cho doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, câu chuyện văn hóa quản lý, cũng như tính chuyên nghiệp trong quản lý vận hành cũng chưa được các doanh nghiệp Việt chú trọng. Chẳng hạn, thời gian qua, nhiều dự án bất động sản do doanh nghiệp nội quản lý bị vấn đề như mất cắp, tranh chấp chung riêng.

Ngoài ra, việc cấp phép thành lập doanh nghiệp hoạt động quản lý vận hành quá dễ, dù ngành này phải đòi hỏi chứng chỉ hành nghề nghiêm túc… Chính những điều này đã ảnh hưởng tới uy tín chung của doanh nghiệp quản lý vận hành nội.

“Doanh nghiệp Việt không hề kém cạnh về chuyên môn hay công nghệ với doanh nghiệp ngoại, bởi ngành này yếu tố thành công là con người.

Chính vì vậy, muốn chiếm lĩnh thị trường quản lý vận hành dự án bất động sản, điều đầu tiên, theo tôi là doanh nghiệp nội phải liên kết nhau lại, phát triển chuyên nghiệp, nghiêm túc, thì mới nâng thương hiệu của doanh nghiệp Việt trong ngành này lên”, bà Hương nói.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cũng cho rằng đối với công nghệ quản lý hay tính chuyên nghiệp trong quản lý vận hành thì có thể doanh nghiệp ngoại sẽ hơn doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, về câu chuyện xử lý tình huống và hiểu văn hóa của người Việt thì không thể bằng doanh nghiệp Việt.

Ngoài ra, doanh nghiệp ngoại khi quản lý vận hành dự án tại Việt Nam thì vẫn dùng nhân sự người Việt để làm quản lý vận hành, cái họ mang lại có lẽ là thương hiệu ngoại nhập của họ cho thị trường phong phú.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, việc phần lớn thị phần quản lý vận hành các dự án bất động sản đang thuộc về doanh nghiệp nước ngoài là do doanh nghiệp trong nước ít quan tâm đầu tư đúng mức ở mảng này.

Hầu như các doanh nghiệp trong nước mới chỉ tập trung quản lý những dự án bất động sản có quy mô, giá trị nhỏ của chính công ty mình đầu tư.

Còn ở những khu đô thị mới, những tòa cao ốc văn phòng, những cao ốc căn hộ cao cấp hay dự án nghỉ dưỡng biển hầu như không có doanh nghiệp Việt Nam tham gia.

“Ngành quản lý, vận hành bất động sản đã du nhập vào Việt Nam được hơn 25 năm, nhưng số doanh nghiệp nội thành công trong lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để có thể ‘lấy lại’ sân nhà, các doanh nghiệp trong nước không còn cách nào khác là phải tự chuyên nghiệp hóa chính mình.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư bất động sản cũng phải cho doanh nghiệp nội cơ hội khẳng định năng lực của mình trong quản lý vận hành dự án chứ không thể chỉ vì quảng cáo bán hàng mà gạt doanh nghiệp trong nước đi để chọn doanh nghiệp ngoại như hiện nay”, ông Châu nói.

Theo nhadautu