Siết chặt thị trường bất động sản
UBND tỉnh Bình Dương mới đây đã có văn bản số 1333/UBND-KT, về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương giao các sở ngành liên quan tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Song song đó là theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản trên địa bàn.
Đặc biệt, UBND Bình Dương cũng yêu cầu công bố, công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án, phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản. Đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá trục lợi bất hợp pháp.
Bên cạnh đó là thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương; có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu các Sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông… gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp môi giới mua bán bất động sản dự án bán bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý… vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có).
Nhan nhản dự án sai phạm
Như Reatimes đã thông tin, Bình Dương là địa phương có tình trạng vi phạm xây dựng diễn ra phổ biến và dai dẳng. Điển hình, ngày 9/2/2021, Thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 20/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối Công ty Cổ phần C-Holdings.
Theo đó, Công ty Cổ phần C-Holdings, là chủ đầu tư xây dựng công trình Khu chung cư Phú Thọ Quốc Cường tại phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (tên thương mại là C-River View) do ông Nguyễn Quốc Cường làm đại diện pháp luật, đã có các hành vi vi phạm hành chính. Cụ thể, chủ đầu tư dự án C-River View đã tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Với các hành vi vi phạm này, Công ty Cổ phần C-Holdings bị phạt hành chính 40 triệu đồng theo quy định tại điểm C, khoản 5, Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Xây dựng nêu rõ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty Cổ phần C-Holdings phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, Công ty Cổ phần C-Holdings không xuất trình được thì bị áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định.
Như vậy, tính đến nay thì đã quá thời hạn 60 ngày Công ty Cổ phần C-Holdings phải bổ sung giấy phép xây dựng để được hợp thức hóa sai phạm. Dư luận đặt câu hỏi có hay không việc chính quyền Bình Dương sẽ mạnh tay cưỡng chế dự án này, hay tiếp tục ưu ái cho doanh nghiệp?
Tương tự, tại dự án Đông Bình Dương, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn đã ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Đông Bình Dương, vì hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Lần 1 vào ngày 13/1/2020 và lần 2 vào ngày 29/9/2020. Đến nay, đã quá 60 ngày kể từ khi ông Lê Hữu Nhơn ra quyết định xử phạt lần 2 (vào ngày 29/9/2020) nhưng dự án vẫn không bị cưỡng chế.
Bên cạnh đó, dự án Đông Bình Dương có quy mô khủng lên đến 126,7ha, song chủ đầu tư mới chỉ lập thủ tục đất đai với diện tích 110,1ha. Sau nhiều quyết định xử phạt, dư luận vẫn nghi vấn dự án này đã được Thủ tướng chấp thuận đầu tư hay chưa? Theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP, dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên, thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.
Trong khi đó, tại dự án Khu nhà ở thương mại - dịch vụ Contentment Plaza (Roxana Plaza) tại khu phố Đông (phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An), Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng đã ra quyết định xử phạt với chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Xây dựng - Dịch vụ thương mại đầu tư Bất động sản Tường Phong vì xây dựng sai giấy phép. Dù chưa được Sở Xây dựng Bình Dương duyệt hồ sơ bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng dự án Roxana Plaza đã được xây đến tầng 32, đã tổ chức lễ cất nóc và sắp bàn giao căn hộ cho khách hàng.
Đặc biệt, theo phản ánh của khách hàng, nhiều người đã đóng tiền để mua căn hộ tại dự án Roxana Plaza với số tiền giao dịch từ 30-65% (tương đương 400 triệu - 900 trăm triệu đồng) từ năm 2019-2021. Thế nhưng, đơn vị đứng ra ký kết hợp đồng giao dịch với khách hàng không phải là Công ty Tường Phong (chủ đầu tư dự án), mà là Công ty Cổ phần Naviland (Công ty Naviland). Sau khi tìm hiểu, khách hàng mới biết chủ đầu thực sự của dự án là Công ty Tường Phong, còn Công ty Naviland chỉ là đơn vị được Công ty Tường Phong ủy quyền cho ký kết hợp đồng giao dịch với khách hàng. Việc khách hàng của dự án Roxana Plaza ký hợp đồng và đóng tiền cho đơn vị chưa được pháp luật công nhận về việc chuyển nhượng dự án theo đúng quy định là rất rủi ro.
Theo Diệu Thúy (Reatimes.vn)