Bà giáo 90 tuổi viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Admin
Sang tuổi 90 nhưng bà Hồ Hương Nam (cựu giáo viên Trường THCS Hoàng Hoa Thám) vẫn luôn nặng lòng với hành trình "gieo chữ", gom góp sức lực để lo cho những cô cậu học trò có mảnh đời khuyết...

Lớp học tình thương ra đời

Những người đang sinh sống tại phố An Dương (Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội), hơn 20 năm qua, không xa lạ gì với một lớp học đặc biệt dành cho những mảnh đời bị khuyết.

Người giáo viên đứng lớp giảng bài là cụ bà có khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền hòa, giọng Huế nhẹ nhàng, làn da đồi mồi và mái tóc bạc trắng. Học trò theo học đều là những đứa trẻ khi sinh ra đã bị khiếm khuyết, kém may mắn hơn các bạn bè cùng trang lứa.

Bà Hồ Hương Nam là người gốc Huế. Thời kỳ đất nước vẫn còn khói lửa chiến tranh, bà trong diện được tập kết ra Bắc. Trong thời gian này, bà học và tốt nghiệp lớp đào tạo sư phạm cấp tốc sau được phân công giảng dạy tại một số ngôi trường trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trước khi giảng dạy tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ).

Bà giáo 90 tuổi viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường - Ảnh 1.

Trong mỗi buổi học, bà Nam luôn ân cần với từng cô, cậu học trò nhỏ của mình.

Năm tháng gắn bó với sự nghiệp "gõ đầu trẻ", được đi và tiếp xúc nhiều với những mảnh đời khó khăn nên bà Nam có cơ hội hiểu hơn sự vất vả của trẻ khuyết tật. Sau mỗi chuyến đi, lòng thương cảm của người giáo viên lại được hun đúc.

Bà Nam cũng tự nhủ bản thân phải làm được điều gì đó để có thể giúp những phận đời "vầng trăng khuyết" ấy thoát khỏi mặc cảm. Thế nhưng, bà Nam cho biết lúc ấy đành "lực bất tòng tâm" vì điều kiện chưa cho phép.

Năm 1979, bà Nam nghỉ hưu theo chế độ. Cũng kể từ đây, bằng tấm lòng nhân hậu, bà Nam đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Rời xa "phấn trắng, bảng đen", bà Nam được bố trí làm cộng tác viên dân số. Công việc mới cho bà được tiếp xúc nhiều hơn nữa với những trường hợp trẻ em khuyết tật không được đến trường.

Chứng kiến những hoàn cảnh đó, bà Nam xót vô cùng. Sau nhiều đêm trăn trở, bà quyết định mở lớp dạy chữ miễn phí. Học sinh của lớp học đó chính là những đứa trẻ có khiếm khuyết về trí tuệ.

Nỗ lực tựa cánh chim không mỏi

Bà Nam chia sẻ: "Để lớp học ấy được mở ra cần phải có không gian tối thiểu để trẻ có thể ngồi học. Mà thời bấy giờ nhà ai cũng nhỏ, cũng chật kiếm đâu ra được một không gian rộng thoáng.

Trẻ bị khiếm khuyết về trí tuệ phụ huynh họ mặc cảm, ngại cho trẻ tiếp xúc với người khác, nên thuyết phục họ cho trẻ đến trường là rất khó".

Thế nhưng, việc khó mấy, quyết tâm đến cùng vẫn sẽ thành công. Địa điểm học tập, bà đề bạt ý kiến và được chính quyền hỗ trợ địa điểm mở lớp. Trong khi đó, để trẻ có thể đến lớp, bà Nam không quản nắng mưa đến từng nhà vận động, thuyết phục từng phụ huynh.

Bà giáo 90 tuổi viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường - Ảnh 2.

UBND phường Yên Phụ chính là nơi đón nhận những lứa học sinh đặc biệt đầu tiên của bà Nam.

"Thời ấy, nhiều người còn bảo tôi bị tâm thần khi có tuổi rồi không chịu nghỉ ngơi mà lại tự "mua dây buộc mình" - bà Nam nhớ lại.

Sau những khó khăn vất vả, "trái ngọt" đầu tiên đã đến với bà Nam khi vào năm 1997, lớp học tình thương bao năm bà ấp ủ đã được mở tại trụ sở tuần tra phường An Dương (quận Tây Hồ) chỉ vỏn vẹn 2 học sinh.

Với tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ của cô và trò, 2 trẻ theo học tại lớp của bà Nam có những tiến triển rõ rệt. Phụ huynh trẻ cũng cảm nhận được cái tâm của bà nên yên tâm gửi gắm nhờ bà dạy dỗ. Sau này, "tiếng lành đồn xa", số lượng người đưa trẻ đến lớp học của bà Nam ngày một đông.

Món quà "đắt" nhất trong đời

Bà Nam tâm sự, với một nhà giáo ở tuổi của bà, việc còn được đứng trên bục giảng đã là hạnh phúc và những đứa trẻ ở lớp học tình thương là lứa học trò đặc biệt nhất trong cuộc đời dạy học của bà.

"Khi nào còn sức khỏe, tôi vẫn giúp các em khi sinh ra bị thiệt thòi có thể tự lập, biết đến con chữ, có khả năng nhận biết để giảm đi phần nào nỗi gian truân cho bố mẹ các em. Tôi nghĩ một cách giản dị rằng, đó chính là tình thương và trách nhiệm của một nhà giáo", bà Nam chia sẻ.

Bà giáo 90 tuổi viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường - Ảnh 3.

Năm 2014, bà Nam vinh dự được UBND TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" vì những đóng góp tích cực của bà mang đến cộng đồng cũng như các em nhỏ khuyết tật.

Với mỗi em, bà lại dạy theo phương pháp khác nhau. Những em bị câm điếc, bà sẽ dạy cho chúng cách viết, học sinh khiếm thị thì bà sẽ dạy cho chúng phương pháp nghe. Bà Nam kể, bản thân bà cũng phải tự mình học ký hiệu ngôn ngữ cơ thể ở cơ sở khuyết tật với chứng chỉ xuất sắc để về dạy cho các em ở lớp học của mình.

Theo bà Nam, dạy trẻ khiếm khuyết ngoài tình thương, kiên nhẫn, điều cần thiết nữa là sự thường xuyên. Là một nhà giáo, bà Nam hiểu rằng, việc học nếu gián đoạn sẽ phải bắt đầu lại từ con số 0.

Chính vì thế nên ngay cả những khi thay đổi thời tiết, người yếu, bà Nam vẫn đến lớp đều đặn. Đây cũng là một cách để bà Nam làm gương cho học trò.

Sự kiên trì của bà Nam sau nhiều năm cũng đã được trả công xứng đáng bằng việc những đứa trẻ thiểu năng đã biết viết, biết đọc. Sự thay đổi đó khiến phụ huynh các em vui mừng khôn xiết.

Câu chuyện về bông hoa hồng học trò tặng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sẽ luôn là món quà mà bà Nam nhớ mãi: "Tôi nhớ mãi ngày 20/11 đặc biệt đó. Khi ấy tôi vừa bước chân vào lớp thì cháu lớp trưởng giấu một bông hoa hồng đã chuẩn bị từ trước ở phía sau lưng và chạy lên tặng tôi kèm câu nói "hôm nay là ngày của bà, cháu có bông hoa tặng bà". Sau đó, cả lớp cùng ùa lên để tặng tôi những bông hoa tươi thắm kèm những lời cảm ơn.

Dù câu nói chưa được tròn vành, rõ chữ nhưng đó là những âm thanh khiến bà Nam cảm động và bật khóc vì hạnh phúc.

Tuy nhiên, bà Nam vẫn còn đang đau đáu vì lớp học tình thương của bà vẫn chưa thể mở cửa trở lại. Bà Nam kể rằng thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, theo chỉ đạo của chính quyền địa phương nên lớp học phải tạm thời đóng cửa. Lúc đó, lớp có 18 trẻ bị khiếm khuyết về trí tuệ đang theo học.

Bà giáo 90 tuổi viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường - Ảnh 4.

Nhớ các con học sinh, bà Nam thường xuyên đến lớp lau dọn, sắp xếp lại sách vở của lớp học tình thương trong thời gian lớp tạm nghỉ.

Bình thường mới trở lại, lớp học được mở cửa nhưng sau đó lại có một đến hai trường hợp mắc Covid-19. Bà Nam chia sẻ: "Kể từ đó, phụ huynh học sinh tỏ ra hoang mang, sợ con em mình mắc bệnh nên hoãn thời gian đến lớp.

Lâu dần, họ ngại và không cho các em đi học nữa. Bây giờ lớp học vẫn chưa thể mở cửa trở lại và bản thân tôi vẫn đang phải đến từng gia đình vận động để các cháu có thể đi học".