Đó là trường hợp của hộ ông Trần Văn Bé, 60 tuổi, ở 92B3 đường Hoàng Diệu, khu phố Tân Ngọc, phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
10.000m3 đất san lấp mặt bằng để phục vụ nuôi trồng không được đền bù |
Nói về nguồn gốc 17 ha đùng nuôi thủy sản quảng canh cải tiến của gia đình, ông Bé cho biết: “17 ha đó là diện tích do ông Ngô Văn Tuyết, ông Hai An, ông Năm Lộc và ông Trần Văn Phước khai hoang làm đùng nổi vào năm 1980. Đến năm 1990, các ông sang nhượng lại cho gia đình tôi trực tiếp sử dụng ổn định, không tranh chấp và thực hiện các nghĩa vụ thuế đất nông nghiệp với Nhà nước, đến ngày hôm nay. Dùng của tôi có nguồn gốc sử dụng trước Dự án 595 được UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giao đất tại khu vực ven biển Long Hương – Mỹ Xuân huyện Châu Thành theo Quyết định số 473 ngày 7/6/1994”.
Đến ngày 15/10/1997, ông Bé ký Hợp đồng khoán bảo vệ rừng với Ban Quản lý Dự án 595, với suy nghĩ đơn giản là chỉ để bảo vệ rừng cho Nhà nước. “Chúng tôi không lường hết hậu quả của Hợp đồng lại dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ không thỏa đáng khi bị thu hồi như hiện nay”, ông nói.
Cụ thể, khi thu hồi đất thực hiện Cảng thủy nội địa và kho bãi Đông Triều thì UBND thị xã Phú Mỹ cho rằng, đất nằm trong rừng phòng hộ và trong Hợp đồng khoán bảo vệ rừng nên không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ. Theo ông Bé, nhận định trên là thiếu thực tế, không khách quan về nguồn gốc sử dụng đùng nổi, không tính thiệt hại về chi phí đầu tư còn lại khi thu hồi đất… gây bức xúc dư luận địa phương với hàng chục hộ dân có nguồn gốc sử dụng đùng như gia đình ông.
Mặt nước nuôi trồng thủy sản hộ ông Trần Văn Bé đầu tư cải tạo trên 30 năm |
Theo nội dung Hợp đồng ngày 15/10/1997, diện tích đất có rừng phải bảo vệ 15,2 ha (hiện trạng rừng); Diện tích đất chưa có rừng để gây trồng rừng 10 ha (đây là phần diện tích đùng nổi, ông Bé nhận chuyển nhượng từ các hộ năm 1990). Tổng diện tích khoán bảo vệ rừng, gây trồng rừng 25,2 ha, thuộc tổ 7, khoảnh XXII, tiểu khu 1 (Trích lục bản đồ hoặc sơ đồ, Biên bản giao nhận khoán, Biểu thống kê số lượng, chất lượng rừng kèm theo). “Những số liệu này họ chỉ nói miệng là căn cứ trên bản đồ năm 1978 của Lâm trường Châu Thành, Đồng Nai. Thực tế, gia đình tôi không được giao bất cứ loại giấy tờ gì”, ông Bé cho biết.
Cùng ngày 15/10/1997, tại Biên bản giao khoán đất lâm nghiệp ngoài thực địa, chủ Dự án 595 cũng xác nhận: Diện tích ngập nước không thể trồng rừng: 10,5 ha; Diện tích ngập nước mà chủ hộ đã sử dụng nuôi trồng thủy sản: 6,7 ha (đùng nổi); Diện tích ngập nước có khả năng nuôi trồng thủy sản: 3,8 ha. Điều trái ngược là trong hợp đồng ông Bé nhận khoán 25,2 ha giao đất nhưng khi kiểm tra thực địa thì thực tế là 35,7 ha. Trong đó, ngoài khoảnh XXII, Ban dự án có giao thêm khoảnh XXIV (gồm: Đất trống 10,5 ha và 6,7 ha). Điều này phù hợp với nguồn gốc nhận chuyển nhượng của ông Trần Văn Bé năm 1990.
Theo ông Bé, cơ sở thực tế buộc UBND thị xã Phú Mỹ phải công nhận 17 ha đất nuôi trồng thủy sản của ông là tại các Hợp đồng khoán 346 và Biên bản giao đất thực địa ngày 15/10/1997 đều có xác nhận của UBND xã Mỹ Xuân do ông Trần Văn Phước, Chủ tịch UBND xã ký và ông Phước cũng là người trực tiếp chuyển nhượng cho hộ ông Trần Văn Bé. Hơn ai hết, ông Phước phải biết nguồn gốc và quá trình trực tiếp sử dụng đất của ông Bé như thế nào?! Điều bất cập khiến các hộ: Vũ Văn Tuyền, Đào Đức Lưu, Vũ Văn Bá và Nguyễn Thị Kim… cùng trạng thái bức xúc như hộ ông Bé, là UBND xã Mỹ Xuân (nay là phường Mỹ Xuân) là đơn vị hành chính trực tiếp quản lý đất đai cấp cơ sở phải biết tại Sổ mục kê, Sổ địa chính và Đăng kí kê khai đóng thuế của các hộ là căn cứ từ đâu? Có như vậy quyền lợi hợp pháp của người dân mới đảm bảo.
Giấy xác nhận của ông Trần Văn Phước, nguyên Chủ tịch xã Phước Mỹ chuyển nhượng 17 ha đùng nổi cho ông Trần Văn Bé. |
Các chuyên gia pháp lý khi trao đổi về trường hợp thu hồi đất của hộ Trần Văn Bé đều cho rằng, có mâu thuẫn về diện tích giao khoán, diện tích rừng phòng hộ thực tế được cắm ranh quản lý sử dụng qua các thời kỳ và xác định thời gian sử dụng đất, cụ thể: Trên thực tế UBND tỉnh Đồng Nai không thực hiện việc cắm ranh, cắm mốc, chưa có bản đồ ranh giới rừng phòng hộ. Đến năm 1999 mới hoàn thành bản đồ hiện trạng rừng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mãi đến năm 2011, mới có sơ đồ cắm ranh theo Quyết định 1009/QĐ-UBND ngày 06/5/2011 và năm 2012 có sơ đồ điều chỉnh theo Quyết định 993/QĐ-UBND ngày 22/5/2012 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Có thể thấy, UBND thị xã Phú Mỹ căn cứ Quyết định số 1814/QĐ-UBND ngày 25/12/1978 về việc thành lập Lâm trường Châu Thành của UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng đất bị thu hồi nằm trong rừng phòng hộ là thiếu cơ sở.
Mặc khác, tại Quyết định 473/QĐ-UB ngày 7/6/1994 về việc thành lập Dự án 595 theo Chương trình 327 là Đơn vị trực tiếp giao khoán cho hộ ông Trần Văn Bé có hướng dẫn tại Khoản 2, Điều II, như sau: “Đối với những diện tích đất của các hộ gia đình cá nhân đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã được cấp thẩm quyền xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp trong vùng dự án chủ dự án phải có trách nhiệm thỏa thuận và chỉ đạo hướng dẫn các hộ gia đình và cá nhân đó trong việc trồng các loại cây theo quy hoạch của dự án”.
|
Theo Quyết định 473 thì phần diện tích sang nhượng từ các hộ là 17 ha của gia đình ông Bé đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và tất nhiên là đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ về đất theo Điều 75 Luật Đất đai năm 2013.
Luật sư Mai Song Hào, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết thêm: “Trường hợp hộ ông Trần Văn Bé, căn cứ Khoản 1, Điều 4 và Khoản 8, Điều 6 Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/04/1998; Căn cứ Quyết định số 66/2014 /QĐ- UBND ngày 31/12/2014; Áp dụng giá đất bồi thường theo đơn giá tại Quyết định số 38/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ những văn bản pháp luật trên UBND thị xã Phú Mỹ cần xác minh thành lập các tổ tư vấn về nguồn gốc và quá trình trực tiếp sử dụng đất và không có tranh chấp trước ngày 15/10/1993 để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ đất đúng theo quy định pháp luật”.
Biên bản giao khoán đất lâm nghiệp ngoài thực địa |
Ông Bé cho rằng, Trung tâm phát triển quỹ đất của UBND thị xã Phú Mỹ áp dụng các quy định pháp luật đất đai và các Quyết định của UBND tỉnh trong công tác hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất có phần thiếu khách quan và không nhất quán giữa các hộ. Cụ thể, hộ ông Trần Văn Bé đất trong Hợp đồng khoán không hỗ trợ; hộ ông Phan Văn Ngời hỗ trợ 5.000 đồng/ 1m2 đất trong Hợp đồng khoán; còn hộ ông Võ Anh hỗ trợ 1.000 đồng/1 m2.
“Trung Tâm Phát triển quỹ đất, áp dụng Luật Lâm nghiệp năm 2016 để không đền bù gần 10.000 m3 san lấp và cho rằng ảnh hưởng rừng phòng hộ. Trong khi đất chúng tôi san lấp nằm trong diện tích mặt nước trong ao chứ không phải trên đất rừng, không ngăn cản dòng chảy tự nhiên, cũng không làm ảnh hưởng khả năng phòng hộ của rừng. Hơn nữa, việc san lấp này là vào năm 2011”, ông Bé bức xúc cho biết.
|
Dư luận địa phương, cũng như công luận đang mong chờ một quyết định phương án phê duyệt bồi thường, hỗ trợ của UBND thị xã Phú Mỹ “thấu tình, đạt lý”, bảo đảm quyền lợi, ích hợp pháp của người dân.
Theo các tài liệu lịch sử, huyện Châu Thành là một huyện cũ thuộc tỉnh Đồng Nai, đến ngày 12/8/1991, huyện Châu Thành thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới thành lập. Ngày 2/6/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 45-CP giải thể huyện Châu Thành để thành lập thị xã Bà Rịa và các huyện Châu Đức, Tân Thành. Mặc dù vậy, về mặt hành chính, lúc đó Châu Thành thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu, nhưng về mặt địa lý vẫn chưa xác định được ranh giới, mãi đến năm 2012 việc cắm mốc phân chia ranh giới giữa Châu Thành với tỉnh Đồng Nai mới hoàn thành. |