Ba yếu tố hàng đầu thu hút doanh nghiệp châu Âu rót vốn vào Việt Nam
Admin
07:47 10/05/2023
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam là cái tên khá tích cực trên bản đồ đầu tư của các tập đoàn châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính sách thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng từ năm 2024 cũng như các xu hướng mới trên thế giới, Việt Nam còn nhiều việc phải làm và phải làm quyết liệt...
Tín hiệu tích cực
Hàng quý EuroCham đều có khảo sát về BCI - chỉ số về môi trường kinh doanh Việt Nam. Sau COVID-19, chỉ số này tăng trưởng rất nhanh nhưng bắt đầu từ quý I năm ngoái cho đến quý IV năm ngoái chỉ số này giảm từ 73 điểm xuống còn 47 điểm.
Đánh giá về con số này, ông Phan Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, điều này phản ánh sự kém lạc quan trong kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN châu Âu cả trên phạm vi toàn cầu cũng như hoạt động tại Việt Nam.
Trong khi đó, kết quả khảo sát BCI quý 1/2023 cho thấy BCI ở mức 48 điểm và EuroCham hi vọng đây là mức đáy của chỉ số BCI.
"Qua khảo sát chung với các DN châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam về số lượng đơn hàng hay tình hình kinh tế, hoạt động kinh doanh của tập đoàn, chúng tôi có cảm giác mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn trong quý tới, đặc biệt tác động tích cực tới Việt Nam với tư cách là nước xuất khẩu", ông Minh nói.
Về quan hệ thương mại Việt Nam châu Âu, kể từ khi hiệp định EVFTA được ký kết và có hiệu lực được gần 3 năm, quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển tích cực, tuy nhiên cũng chịu ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu.
Do vậy, trong năm 2023 Việt Nam còn nhiều việc phải làm mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng quan hệ thương mại với EU. Tuy nhiên, có thể nói một cách khách quan rằng EVFTA đã mang lại những kết quả tích cực trong thời gian vừa qua.
Ông Phan Hải Minh - Phó Chủ tịch EuroCham, Việt Nam là cái tên khá tích cực trên bản đồ đầu tư của các tập đoàn châu Âu.
Về đầu tư, cũng theo khảo sát BCI trong quý I, 36% lãnh đạo DN châu Âu cho rằng Việt Nam nằm trong top 5 điểm đến đầu tư của họ trên toàn cầu. Đây là tín hiệu rất tích cực và bản thân Việt Nam cũng là cái tên khá tích cực trên bản đồ đầu tư của các tập đoàn châu Âu.
"Nhưng làm thế nào để hiện thực hóa việc thu hút đầu tư hay làm thế nào để tận dụng cơ hội hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh mới như chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, xu hướng mới trên thế giới? Chúng tôi cho rằng, Việt Nam còn nhiều việc phải làm và phải làm quyết liệt, đặc biệt là liên quan đến cải cách trong thời gian tới", ông Minh chia sẻ.
Cần tiếp tục cải cách thể chế
Với khảo sát BCI, EuroCham cũng đưa ra yếu tố hàng đầu để thu hút đầu tư vào Việt Nam chính là cải cách về thể chế, về môi trường và thủ tục hành chính.
Những xu hướng mới trên thế giới đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là xu hướng liên quan đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, phát triển bền vững...
Phó Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh, xu hướng phát triển bền vững, sản xuất và tiêu dùng xanh không còn là khẩu hiệu để hô hào nữa mà là thời điểm mà các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ đưa ra các đạo luật và các DN châu Âu trong chuỗi cung ứng, các DN Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện mới có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.
Về năng lượng, không chỉ đơn thuần là nhà đầu tư tham gia vào dự án năng lượng, mà tại COP 26 Việt Nam đã có cam kết rất mạnh mẽ, đi kèm với đó là chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, quá trình triển khai chưa được như kỳ vọng.
Năng lượng tái tạo là xu hướng mới trên toàn cầu và không thể đảo ngược. Việt Nam phải nhìn nhận năng lượng tái tạo bây giờ là nhu cầu cấp thiết cho các DN sản xuất và đặc biệt là các DN nằm trong chuỗi cung ứng chung của các tập đoàn châu Âu xuất khẩu. Nếu không có năng lượng tái tạo thì những dự án sản xuất như vậy sẽ bị trì hoãn.
"Trao đổi một số DN thành viên cho thấy có những dự án đầu tư mở rộng tại Việt Nam, hiện cũng đang phải tạm hoãn vì không thu xếp được nguồn năng lượng tái tạo đầu vào cho dự án đó. Đây là thực tế đang diễn ra và bắt buộc Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương cần để ý nhiều hơn đến Quy hoạch điện VIII và đặc biệt là cơ chế mua bán điện trực tiếp cho những dự án sản xuất như vậy để có thể đáp ứng được yêu cầu", Phó Chủ tịch EuroCham khuyến nghị.
Ngoài ra, có một xu hướng mới khác mà Việt Nam cũng cần phải nắm bắt. Với sự thuận lợi về vị trí địa lý, Việt Nam cũng trong điểm ngắm của các DN châu Âu để trở thành trung tâm logistics trong khu vực, đặc biệt khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện cơ sở pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng chưa cho phép Việt Nam hiện thực hóa điều này.
"Để hiện thực hóa điều này, Việt Nam cần có cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư, thành lập trung tâm logistics tại Việt Nam để biến Việt Nam thành nơi trung chuyển hàng hóa trong khu vực. Nếu làm được điều này thì đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam", ông Minh nhìn nhận.
Liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, theo ông Minh, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam là vấn đề ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của các DN FDI nói chung và DN EuroCham nói riêng. Ngoài cơ chế làm tăng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thì cần có cơ chế để thu hút chất xám, thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài. Sau đó sẽ có cơ chế về chuyển giao công nghệ, cơ chế hợp tác về nguồn nhân lực để Việt Nam có thể bắt kịp và đáp ứng được yêu cầu về sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Ngoài ra, về du lịch cũng là hướng phát triển cho Việt Nam trong tương lai, đặc biệt cơ chế tháo gỡ những vướng mắc về visa cho người nước ngoài. Đây cũng là cú hích cho kinh tế Việt Nam thời gian tới.
"Các DN châu Âu khi quyết định đầu tư cũng quan tâm rất nhiều đến môi trường đầu tư liên quan đến những vấn đề tranh chấp có thể xảy ra. Liên quan đến hiệp định EVIPA, hiệp hội đang tích cực vận động các quốc gia thành viên EU phê chuẩn hiệp định trong thời gian sớm nhất. Hi vọng khi hiệp định có hiệu lực với cơ chế nhất quán giữa Việt Nam và các nước thành viên EU, thu hút đầu tư từ EU sang Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn", Phó Chủ tịch EuroCham chia sẻ.