Bảo hiểm nhân thọ khó lấy lại đà tăng trưởng vì lãi suất thấp

Admin
Môi trường lãi suất thấp sẽ vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, dù có Thông tư 89 hay không...

Dịch bệnh đã khiến tăng trưởng của ngành bảo hiểm năm 2020 chậm lại và kéo dài xu hướng giảm tăng trưởng bắt đầu từ giữa năm 2018. Riêng khối bảo hiểm nhân thọ, nhiều quan điểm cho rằng vẫn khó lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2021 vì môi trường lãi suất thấp sẽ kéo dài.

Theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm, trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thi phi nhân thọ tăng 7,7% và doanh thu nhân thọ tăng 21,2%.

Lý giải nguyên nhân tăng trưởng mảng phi nhân thọ trở nên kém sắc, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại và du lịch của người dân, gián tiếp kép giảm nhu cầu về bảo hiểm.

Với mảng bảo hiểm nhân thọ, theo VDSC, lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm từ mức thấp năm 2019 khiến doanh nghiệp nhân thọ phải giữ tăng trưởng doanh thu hợp đồng mới thấp nhằm giảm gánh nặng chi phí dự phòng. Trong khi đó, giai đoạn 2015 - 2018, doanh thu hợp đồng mới của nhân thọ tăng từ 30-40% một năm.

Sang năm 2021, nhóm nghiên cứu tại VDSC dự báo tăng trưởng của ngành bảo hiểm sẽ có sự phân hoá giữa khối nhân thọ và khối phi nhân thọ do mức lãi suất thấp sẽ vẫn được kéo dài.

Cụ thể, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ sẽ trở lại theo sự phục hồi kinh tế. Vì hầu hết các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ có thời hạn một năm, đồng thời không có điều khoản chia lãi tiết kiệm nên rủi ro bất cân xứng về lãi suất bằng không và theo đó, các doanh nghiệp này không chịu sự chi phối của vấn đề lãi suất trong tăng trưởng doanh thu.

Ngược lại, môi trường lãi suất thấp kéo dài khiến các doanh nghiệp nhân thọ khó khăn trong việc bán các sản phẩm có tính chất tiết kiệm như bảo hiểm hỗn hợp nhằm hạn chế bất cân xứng giữa lãi đầu tư nhận được trong tương lai và đã cam kết với khách hàng khi ký hợp đồng.

“Nỗ lực đẩy mạnh doanh số các sản phẩm liên kết đầu tư bù đắp các sản phẩm tiết kiệm có thể làm tăng chi phí bán hàng, giảm hiệu quả nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm”, nhóm nghiên cứu của VDSC nhận định.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm đang chịu áp lực đáng kể từ dự phòng kỹ thuật trong môi trường lãi suất thấp hơn.

Trong đó, Thông tư 89 mới sửa đổi, bổ sung liên quan đến kinh doanh bảo hiểm chính thức có hiệu lực từ ngày 26/12/2020 đã nâng trần cho phí bảo hiểm thuần được điều chỉnh từ 90% lên 100% so với phí bảo hiểm thực tế thu được. “Quy định này khiến gánh nặng dự phòng toán học ở các công ty bảo hiểm nhân thọ giảm đi”, SSI nhận xét.

Theo đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã đề xuất hai thay đổi liên quan đến dự phòng toán học. Thứ nhất là nâng trần phí bảo hiểm thuần được điều chỉnh từ 90% lên 100% so với phí bảo hiểm thực tế thu được theo phương pháp phí bảo hiểm thuần đối với các sản phẩm truyền thống.

Thứ hai là tăng cơ sở tính lãi suất kỹ thuật tối đa từ mức 80% lên 90% bình quân 24 tháng đối với Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn trên 10 năm.

"Cả hai mức trần hiện tại đều rất thận trọng, vì các nước trong khu vực chủ yếu áp dụng phương pháp phí bảo hiểm gộp và 100% lãi suất trái phiếu chính phủ", theo SSI cho biết. Hiện tại, đề xuất đầu tiên đã được chấp thuận.

Mặt khác, nhóm nghiên cứu của SSI còn cho rằng điều này ảnh hưởng nhiều hơn đến lợi nhuận kế toán hơn là đem đến những thay đổi về yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.

“Môi trường lãi suất thấp sẽ vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, dù có Thông tư 89 hay không”, SSI nhận định.