Bảo tồn động vật hoang dã - vì sao cần làm bảo tồn toàn diện ở Việt Nam?

Kỳ Văn
Nhắc tới ngành bảo tồn động vật hoang dã thì đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay đến việc cứu hộ các cá thể động vật bị buôn bán trái phép và nghiên cứu phát triển để duy trì nòi giống của những loài nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, bảo tồn động vật hoang dã không đơn giản chỉ là những công việc như trên, mà nó bao gồm nhiều hoạt động khác. Đó chính là tính toàn diện mà nhiều tổ chức làm bảo tồn cần hướng đến. 

Việt Nam là quốc gia được ưu tiên về bảo tồn toàn cầu

Việt Nam là quốc gia nằm ở khu vực nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều. Với diện tích 331.212 km², biên giới Việt Nam trên đất liền trải dài 4.639 km. Thực tế, với điều kiện thời tiết và diện tích như thế Việt Nam đứng thứ 16 trên Thế giới về độ đa dạng sinh học. Theo thống kê của Cục Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên Môi trường thì Việt Nam có gần 500 loài đặc hữu, chỉ có ở Việt Nam. Có một số loài từng xuất hiện và gây chấn động ngành bảo tồn cả Thế giới như Sao La - hay còn gọi là Kỳ lân Châu Á.

Là một quốc gia có hệ sinh thái, độ đa dạng sinh học cao như thế, nên Việt Nam luôn là một quốc gia ưu tiên trong khu vực và trên Thế giới về công tác bảo tồn. Đặc biệt trong thập niên trở lại đây thì ngành bảo tồn ở Việt Nam còn được coi là trọng điểm, được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việt Nam là thành viên thứ 121 của Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) từ năm 1994. Để thực hiện nghĩa vụ thành viên của Công ước, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.

Làm bảo tồn toàn diện ở Việt Nam

chuyen-di-rung-va-nghien-cuu-sinh-canh-cua-cac-can-bo-svw-1622627691.JPG
Học sinh mầm non tìm hiểu về tự nhiên trong rừng Cúc Phương dưới sự hướng dẫn của cán bộ SVW

Song song với các chủ trương của Chính Phủ Việt Nam trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD) còn có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan ban ngành, các tổ chức làm bảo tồn chuyên nghiệp. Bên cạnh các tổ chức Quốc tế, thì phải kể đến sự góp sức không nhỏ của các tổ chức cho chính người Việt Nam thành lập. Có thể kể đến Trung tâm Con người và Thiên nhiên Việt Nam (PanNature), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV); Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã ở Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife); Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt xanh (GreenViet), Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã Việt Nam (WildAct Vietnam); Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (Change)...

Một trong số những trung tâm bảo tồn được xuất hiện khá nhiều trên truyền thông quốc tế thời gian gần đây là Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã ở Việt Nam (tên tiếng anh là Save Vietnam's Wildlife - SVW). Đây là tổ chức Phi lợi nhuận do chính người Việt Nam sáng lập vào năm 2014. Trung tâm ra đời trong bối cảnh Việt Nam cần có một giải pháp hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn để giải quyết thực trạng tình hình ĐVHD tại Việt Nam và đảm bảo một tương lai an toàn hơn, tốt đẹp hơn cho ĐVHD ở Việt Nam.

Chỉ gần 7 năm hoạt động, SVW đã phối hợp với Ban quản lý các VQG như Cúc Phương, Pù Mát, Nam Cát Tiên.. cùng các lực lượng chức năng, cơ quan Công an trên cả nước giải cứu được hơn 2,000 loài động vật khác nhau như Tê tê, Rái cá, Mèo rừng, Trăn, Cầy vằn, Cầy vòi mốc…

Vì sao bảo tồn cần phải làm toàn diện?

Theo như báo cáo từ Ban Thư ký Công ước về Đa dạng sinh học thì mỗi năm có đến 18,000 đến 55,000 loài động thực vật bị tuyệt chủng do các nguyên nhân xuất phát từ con người gây ra. Trong số hàng chục nghìn loài kia thì nhiều loài là động vật hoang dã cũng đang nằm trong nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Nếu như chúng ta không có một biện pháp hay hành động để ngăn chặn thì những hậu quả về môi trường, tự nhiên từ việc mất cân bằng sinh thái sớm muộn sẽ xảy ra. Do đó, cần phối hợp nhiều giải pháp mang tính chiến lược và lâu dài, để giải quyết triệt để mọi mặt tác động đến ĐVHD. Dưới đây là một số lĩnh vực, hoạt động bảo tồn được SVW thực hiện trên cơ sở toàn diện nhằm đảm bảo tính hiệu quả và mang lại thay đổi tích cực, bền vững cho công tác bảo tồn:

Cứu hộ và Phục hồi: Cứu hộ động vật hoang dã khỏi nạn buôn bán trái phép, đồng thời phục hồi sức khoẻ, bản năng hoang dã cho các cá thể động vật hoang dã trước khi tái thả chúng về môi trường tự nhiên.

Bảo vệ Sinh cảnh: tăng cường thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn nạn săn bắt bất hợp pháp và gắn kết cộng đồng để bảo tồn thiên nhiên.

hoc-sinh-mam-non-tim-hieu-ve-tu-nhien-trong-rung-cuc-phuong-duoi-su-huong-dan-cua-can-bo-svw-1622627761.JPG
Chuyến đi rừng và nghiên cứu sinh cảnh của các cán bộ SVW

Sinh sản Bảo tồn: chỉ thực hiện đối với một số loài cực kỳ nguy cấp và ưu tiên cao, nhằm tạo ra thế hệ động vật hoang dã quý hiếm từ môi trường nuôi nhốt để tái thiết lập và hỗ trợ chương trình phục hồi quần thể động vật hoang dã ở các khu bảo tồn tại Việt Nam.

Giáo dục và Nâng cao nhận thức: mang bảo tồn đến với cộng đồng và mang cộng đồng đến với bảo tồn bằng cách lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về thiên nhiên hoang dã, đồng thời nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, trang bị kiến thức, kỹ năng, nhằm thúc đẩy cộng đồng hành động và đóng góp tích cực cho bảo tồn thiên nhiên.

Nghiên cứu Bảo tồn: gồm nghiên cứu thực địa, nghiên cứu xã hội, và nghiên cứu trong môi trường nuôi nhốt, nhằm cải thiện sự hiểu biết về nhu cầu bảo tồn của các loài bị đe dọa, đồng thời giúp theo dõi, đánh giá thành công của các hoạt động bảo tồn.

Vận động Chính sách: vận động và thúc đẩy các cơ quan Chính Phủ, cơ quan lập pháp cùng tham gia và có hành động thực tế nhằm bảo vệ ĐVHD thông qua việc điều chỉnh hoặc đưa ra các chính sách thực tế được quy định bằng văn bản về bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Kết luận:

Việt Nam là một quốc gia có nhiều thuận lợi về địa hình, khí hậu và hệ động thực vật vật đa dạng, quý hiếm. Trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, muốn đạt được mục tiêu phát triển bền vững, các chiến lược bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam càng cần phải thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ và lâu dài. Đây cũng là ngành cần đặt trọng tâm, ưu tiên hàng đầu nhằm gìn giữ các giá trị đa dạng sinh học và quản lý được tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.

Kỳ Văn (tổng hợp)