Bảo vệ Xòe Thái là bảo vệ giá trị đặc sắc của di sản vùng cao phía Bắc Việt Nam

Kỳ Văn
Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ làm tăng thêm nhận thức về tầm quan trọng của di sản trong việc kết nối giữa các cá nhân, đội văn nghệ, cộng đồng người Thái với những dân tộc khác và bạn bè quốc tế.

Xòe Thái là loại hình nghệ thuật của cộng đồng người Thái trồng lúa nước, cư trú ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam tại 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên còn được gọi là Múa Thái, Xòe Thái, Múa Xòe, Xe Then, Xe, Xé, Xék, Xòe, Nghệ thuật múa Xòe.

Nghệ thuật tượng trưng cho cái đẹp

Nghệ thuật Xòe đa dạng về loại hình, cách thức trình diễn và với các nhạc cụ, đạo cụ đi kèm, thể hiện sự sáng tạo của cộng đồng, được trao truyền trực tiếp giữa các thế hệ, các thành viên, không phân biệt tuổi, giới tính tại các bản của người Thái.

Bảo vệ Xòe Thái là bảo vệ giá trị đặc sắc của di sản vùng cao phía Bắc Việt Nam
PGS.TS. Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

Xòe có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong nghi lễ, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng.

Xòe nghi lễ phản ánh vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Thái gồm thế giới ở trên trời, ở mặt đất và của thần linh, thể hiện ước vọng của con người, cầu mong sự trợ giúp, phù hộ của thần linh có một cuộc sống no đủ, bình an. Xòe nghi lễ là mừng, cám ơn các vị thần.

Trong khi đó, Xòe biểu diễn và Xòe vòng là mua vui, giải trí. Xòe là múa tập thể và phổ biến nhất, mở rộng dần vòng Xòe, cuốn hút mọi người hòa cùng niềm vui. Họ nắm tay nhau, bước chân nhịp nhàng theo điệu nhạc trong không khí thân thiện, vui vẻ, hòa đồng.

Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa...

Về nghệ thuật biểu diễn, các động tác múa cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng, người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về phía sau.

Động tác múa tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp và sự đoàn kết của tất cả thành viên trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, các nhạc cụ tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm choẹ, pí pặp, bẳng bu, mák hính, đệm cho múa theo nhịp chẵn 2/4, 4/4 trong những âm điệu đặc trưng của quãng 2 trưởng, 3 trưởng...

Nghệ thuật Xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng những giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, nhạc cụ, ca hát, trang phục, cây nghi lễ, đồ cúng làm từ sản vật tự nhiên như gỗ, tre nứa, các món ăn từ nông sản địa phương cũng truyền tải thông điệp về ứng xử của người Thái với thiên nhiên một cách thân thiện, bền vững.

Ngoài ra, ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái cởi mở, hiếu khách, thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ, tăng cường mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên trong và ngoài cộng đồng, biểu hiện sự tôn trọng lẫn nhau của cộng đồng người Thái và các dân tộc khác.

Bảo vệ Xòe Thái là bảo vệ giá trị đặc sắc của di sản vùng cao phía Bắc Việt Nam
Động tác múa Xòe tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp và sự đoàn kết của tất cả thành viên cộng đồng. (Nguồn: TTXVN)

Để sức sống của Xòe không mai một

Để đảm bảo sức sống của Nghệ thuật Xòe không bị mai một, Chính phủ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch, UBND các cấp của địa phương có di sản cũng như cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc hợp tác cùng đề xuất các biện pháp bảo vệ như: Tổ chức thực hành và truyền dạy thường xuyên thông qua giáo dục chính quy và không chính quy; Nghiên cứu, kiểm kê và tư liệu hóa; Phục hồi xòe; Nâng cao nhận thức và quảng bá về nghệ thuật xòe.

Cộng đồng, nhóm người, cá nhân liên quan đã tham gia một cách tích cực trong quá trình thực hiện Hồ sơ trình UNESCO với 429 phiếu đồng thuận tự nguyện với sự hiểu biết đầy đủ, trong đó có 364 phiếu của đại diện cộng đồng và 65 phiếu của đại diện cấp xã, huyện và lãnh đạo của 4 tỉnh.

Tất cả mọi người đều có thể tham gia loại hình Xòe vòng và Xòe biểu diễn. Riêng Xòe nghi lễ phải tuân thủ những quy định về tính thiêng của múa nghi lễ và không gian thờ cúng.

Việc ghi danh và thực hiện các biện pháp bảo vệ hoàn toàn tôn trọng quy trình thực hành, diễn xướng của các điệu Xòe.

Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ làm tăng thêm nhận thức về tầm quan trọng của di sản trong việc kết nối giữa các cá nhân, đội văn nghệ, cộng đồng người Thái với những dân tộc khác và bạn bè quốc tế.

Sự ghi danh càng làm tăng thêm lòng nhiệt tình của thành viên cộng đồng và người ngoài cộng đồng tham gia bảo vệ, gìn giữ và thực hành các điệu Xòe, thể hiện niềm khát vọng chung của con người về một cuộc sống lâu dài, bình an, vui vẻ, hạnh phúc.

Bảo vệ Xòe Thái là bảo vệ giá trị đặc sắc của di sản vùng cao phía Bắc Việt Nam

Thiếu nữ Thái Mường Lò rạng ngời trong vũ điệu Xòe. (Nguồn: Báo Yên Bái)

Trong chiều dài lịch sử và những năm vừa qua, nhân dân 4 tỉnh có di sản Xòe Thái cũng như nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị nhiều di sản văn hóa quý báu của ông cha để lại cho con cháu, trong đó có di sản Xòe Thái.

Giờ đây, với sự tôn vinh của cộng đồng quốc tế và trong nước, chắc chắn, di sản Xòe Thái sẽ tiếp tục được bảo vệ tốt hơn, phát huy giá trị rộng rãi hơn trong cộng đồng nhằm hướng đến những giá trị cao đẹp vì sự bình an và hạnh phúc của con người.