Ngày 21/10, tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo thông tin tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các biện pháp phòng, chống dịch đến nay cơ bản là đúng hướng, kịp thời và hiệu quả. Tiền Giang đã và đang kiểm soát được dịch bệnh.
Tiền Giang kể từ ca nhiễm COVID-19 đầu tiên phát hiện vào ngày 5/6, đến nay đã có 15.249 bệnh nhân, số tử vong là 387 người. Tỉnh cũng là địa phương có số ca nhiễm cao ở miền Tây, chỉ đứng sau Long An.
Thực hiện Nghị quyết 128, Tiền Giang đang thực hiện phòng, chống dịch ở cấp độ 2. Tỉnh đã khôi phục lại các hoạt động, tuy nhiên người dân được yêu cầu hạn chế ra đường từ 19h đến 5h sáng hôm sau.
Mới đây 19 doanh nghiệp FDI tại Tiền Giang, đã gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ và cho rằng tỉnh Tiền Giang “một mình đi một đường”. Theo các doanh nghiệp, Tiền Giang còn duy trì mô hình “3 tại chỗ” khiến họ và người lao động gặp khó.
Ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, dịch COVID-19 đã bùng phát tại 10 doanh nghiệp. Đầu tháng 8, tỉnh đã ngừng kỹ thuật mô hình sản xuất “3 tại chỗ” để bổ sung thêm các tiêu chí.
Đến ngày 10/10, độ phủ vaccine phòng COVID-19 trong công nhân ở tỉnh Tiền Giang chỉ đạt 45%. Việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” là xử lý tình huống khi độ phủ vaccine còn thấp, vì hiện nay nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn còn rất cao.
Tỉnh Tiền Giang mới được phân bổ thêm vaccine và đã triển khai tiêm mũi 1 cho hơn 100.000 công nhân, đạt gần 100%. Tuy nhiên các công nhân chỉ mới tiêm vaccine và chưa đủ 14 ngày, tỉnh vẫn tiếp tục duy trì mô hình sản xuất “3 tại chỗ”.
Theo ông Trường, quan điểm của tỉnh là rất cởi mở, chứ không tự “bó chân” và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Bà Châu Thị Mỹ Phương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết thêm, ngoài mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, tỉnh Tiền Giang còn có 3 mô hình sản xuất khác. Trong đó có mô hình “xanh xanh”, nghĩa là người trong “vùng xanh” có thể đi làm tại nhà máy cũng trong “vùng xanh”. Một số công ty trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đang áp dụng mô hình này.
“Nói như vậy là để chứng tỏ chúng tôi không chỉ có một mô hình sản xuất mà có tới 4 mô hình, thích hợp với từng cấp độ dịch khác nhau trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, bà Phương nói.