Hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra
Đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chủ trì hội nghị nhấn mạnh: “Việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh là hết sức cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Bình Dương quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, nhưng phải đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đã đề ra”.
Đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại cuộc họp.
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2020, đồng chí Trần Văn Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,73% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 8,09%). Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 7,21%; Dịch vụ tăng 5,65%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,45%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,86%.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, kiểm soát biên giới làm nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Đến nay, dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát tốt, doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận các chính sách hỗ trợ (thuế, tín dụng, giảm giá điện,...), nỗ lực khôi phục sản xuất, thay đổi chiến lược kinh doanh, tìm được nguồn nguyên liệu, có đơn hàng xuất khẩu trở lại, mở rộng thị trường tiêu thụ nên sản xuất công nghiệp của tỉnh từng bước phục hồi, phát triển.
Về lĩnh vực thương mại, dịch vụ, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2020 và phòng, chống dịch Covid-19. Đảm bảo đủ số lượng, chất lượng hàng hóa thiết yếu, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá.
Cùng với đó, tỉnh cũng luôn theo dõi, kiểm soát tốt việc sản xuất, tiêu thụ và giá trang thiết bị y tế (khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay, dung dịch diệt khẩu và các thiết bị y tế khác). Công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng được tăng cường. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 122.391 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 3,44% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2019. Kết thúc vụ Đông Xuân 2020, diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm đạt 6.556 ha, giảm 3,7% so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng cây hàng năm Vụ Hè Thu đạt 2.730ha, giảm 1,5%. Diện tích cây công nghiệp lâu năm 142.883 ha, tăng 0,2%.
Tính đến 1/4/2020, so với cùng kỳ, tổng đàn bò tăng 1%, tổng đàn heo tăng 2,8%, gia cầm tăng 8,3%. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị tiếp tục phát triển. Giá cả một số sản phẩm nông nghiệp thường xuyên biến động, đặc biệt là giá heo, giá gà. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt. Tỉnh cũng vận hành hiệu quả các công trình nước sạch, thủy lợi, các hồ chứa, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn trong mùa khô...
Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tỉnh đã tập trung hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương công nhận các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị, tỉnh đã trình Hội đồng thẩm định thông qua dự thảo nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070. Quy hoạch chung đô thị mới Thanh Tuyền đến năm 2040 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thị xã Bến Cát đến năm 2040.
Đặc biệt, tỉnh Bình Dương đã công bố các quyết định thành lập thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An và 4 phường thuộc thị xã Tân Uyên (Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp, Hội Nghĩa). Tỉnh cũng triển khai chỉnh trang đô thị, khắc phục, chỉnh trang các khu, điểm nhà ở tự phát, xử lý các điểm ngập úng đô thị. Trong vòng 6 tháng đầu năm, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư phát triển nhà ở thương mại 20 dự án (diện tích 60ha, 11.461 căn nhà); lũy kế từ 2016 đến nay, đã chấp thuận cho đầu tư 153 dự án, tổng diện tích sử dụng đất 800,5 ha.
Công tác an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn được các cấp, ngành quan tâm, các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng xã hội, người nghèo và công nhân lao động trong dịp Lễ, Tết được triển khai thực hiện chu đáo. Tỉnh thực hiện xây dựng, sửa chữa 4 căn nhà tình nghĩa và 33 căn nhà đại đoàn kết, tặng 600 truyền hình cho hộ nghèo phục vụ sinh hoạt gia đình. Rà soát nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, có 1.535 đối tượng có nhu cầu vay 70 tỷ đồng...
Tập trung điều hành các mục tiêu trọng tâm
Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động do dịch bệnh Covid-19 song UBND tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về nhiệm vụ vừa tập trung thực hiện các biện pháp vừa phòng, chống, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Toàn cảnh phiên họp thường kì tháng 6 của tỉnh Bình Dương.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, trong 6 tháng cuối năm cần tập trung thực hiện một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tỉnh cần kịp thời xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, theo dõi sát tình hình dịch bệnh Covid-19. Quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu - chi ngân sách nhà nước. Cơ cấu lại các khoản thu, xử lý nợ xấu, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, quyết liệt chống thất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, kiểm tra chống thất thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 theo chỉ tiêu Trung ương và của Hội đồng Nhân dân tỉnh giao, đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
Cùng với đó, tỉnh cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp nhằm chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do; duy trì, phục hồi các thị trường xuất khẩu hiện có và mở rộng các thị trường mới; chủ động có kế hoạch, biện pháp cụ thể đối với từng ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh, khôi phục sản xuất kinh doanh, tỉnh Bình Dương cần đẩy mạnh chăm lo đời sống nhân dân và phát triển văn hóa, xã hội. Toàn tỉnh cần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chống trục lợi chính sách, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đặc biệt, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính về thông quan, hoàn thuế, gia hạn nộp thuế,... Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách kiểm soát dịch bệnh để gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh thanh toán điện tử, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công. Cắt giảm tối đa chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp khi thực các thủ tục hành chính điện tử. Giảm tối đa cước phí cho các cá nhân, tổ chức gửi, nhận hồ sơ hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.