Bình ổn giá xăng dầu để gỡ khó cho doanh nghiệp

Kỳ Văn
Giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Cần phải nhanh chóng có các biện pháp bình ổn giá xăng dầu, cũng như triển khai nhanh các gói hỗ trợ DN trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ kịp thời và hiệu quả.
Theo báo cáo về tình hình đăng ký DN của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, tình hình đăng ký DN trong nửa đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp. Cụ thể đạt 116.900 doanh nghiệp, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đại diện Tổng Cục Thống kê cho rằng, những con số trên đã phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng DN đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 83.600 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021 (thấp hơn mức tăng 24,9% của 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, chủ yếu là các DN tạm ngừng kinh doanh (50.900 DN, chiếm 60,9%). Số DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và đã giải thể có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng Cục Thống kê kiến nghị cần có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu, vì đây là nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất.
Theo đánh giá của đại diện Tổng Cục Thống kê, giá xăng, dầu liên tục tăng cao và nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm làm cho sản xuất bị gián đoạn đã gây áp lực lớn cho DN.
Lưu thông hàng hóa ở một số thị trường bị gián đoạn dẫn đến thiếu hụt một số mặt hàng như thực phẩm, thuốc, phân bón, thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó tác động lan truyền làm tăng chi phí sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Các DN nhỏ và siêu nhỏ chịu tác động lớn do dịch bệnh COVID-19, luôn trong tình trạng vừa tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh, vừa tìm kiếm thị trường mới.
Thu hút đầu tư vào nhiều ngành vẫn gặp khó khăn, tiến độ thi công một số công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn chậm, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc.
Thêm vào đó, công tác đào đạo nghề và tuyển dụng người lao động vào làm việc tại DN còn gặp không ít trở ngại, nhất là lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao.
Trong bối cảnh cộng đồng DN đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Tổng Cục Thống kê nhấn mạnh, cần có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu, vì đây là nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất.
Nhằm giảm bớt áp lực chi phí cho người dân và DN góp phần kiểm soát lạm phát, từ 1/4/2022, Việt Nam đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng cao, do đó cần có giải pháp kịp thời nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.
Để bảo đảm tính kịp thời, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đề xuất sớm điều chỉnh thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là cần thiết. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, việc thực hiện điều chỉnh thuế suất thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên cần nhiều thời gian và khó có thể áp dụng ngay trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn nên sẽ có độ trễ nhất định.
Cần có chính sách bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn. Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu.
Tiếp tục vận động người lao động quay lại làm việc góp phần vào quá trình phục hồi của kinh tế. Chính quyền các địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ cho DN về xây dựng chỗ ở cho người lao động khi họ quay lại làm việc.
Có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn, hỗ trợ DN tiếp cận gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2% của nhà nước.
Đặc biệt, cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ DN và người lao động trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ kịp thời và hiệu quả.