Bộ Công Thương: Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền
Admin
07:09 03/12/2022
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đối mặt với không ít thách thức khi thị trường bị thu hẹp, các rào cản kỹ thuật từ phía thị trường châu Âu. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, lãi suất tăng nhanh, quy trình hoàn thuế VAT cho một số mặt hàng xuất khẩu chậm...
Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 suy giảm
Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 nên kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 11 ước tính giảm so với tháng trước đó.
Cụ thể, tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 342 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 87,5 tỷ USD, tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 254,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86% tổng xuất khẩu cả nước. Trong khi đó, tỷ lệ này với xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản là 8,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản là 1,2%.
Tháng 11/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 0,78 tỷ USD.
Tháng 11, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước và giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,2 tỷ USD, giảm 0,6%.
Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 115,4 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 216,2 tỷ USD, tăng 9,6%.
Tháng 11/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 0,78 tỷ USD. Tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 27,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,6 tỷ USD.
Thị trường bị thu hẹp
Đánh giá về thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, thị trường bị thu hẹp; một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu của ta sang thị trường EU, Mỹ đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.
Trong khi đó, thị trường châu Âu đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... khiến DN bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Hàng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc trên thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Đông Á… do Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.
Về khó khăn, thách thức với DN nói chung, đó là lãi suất tăng nhanh, tỷ giá đồng USD tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng khiến chi phí vốn sản xuất tăng. DN tiếp cận vốn khó khăn hơn khi lãi suất tăng, điều kiện cho vay khó khăn. Các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư và phục hồi gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, quy trình hoàn thuế VAT cho các mặt hàng xuất khẩu như gỗ, cao su… chậm, tạo thách thức lớn cho DN về dòng tiền…
Khơi thông dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh
Về giải pháp trước mắt, Bộ Công Thương đề xuất tháo gỡ về vốn, khơi thông dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh. Kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng… như thời kỳ dịch bệnh.
Để đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cần hướng dẫn DN tận dụng các FTA đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép....
Triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ DN tiếp cận chính sách mới của từng thị trường, tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu.
Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ. Đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho DN.
Tập trung khai thác tốt thị trường nội địa vẫn còn dư địa gia tăng, là trụ đỡ trong bối cảnh thị trường nước ngoài bị thu hẹp nhằm giữ ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất với giá cả phù hợp. Tạo thuận lợi hóa cho DN trong các thủ tục xuất nhập khẩu. Tiếp tục tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và DN lớn toàn cầu.
Về lâu dài, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN. Tiếp tục hỗ trợ các DN tiếp cận các quy định mới của các nước nhập khẩu. Đàm phán với các nước đối tác về lộ trình thực hiện các quy định, hàng rào kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... để các DN có kế hoạch sản xuất, chuyển đổi sản phẩm phù hợp với yêu cầu của từng thị trường...