Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), VINACAS đã có văn bản báo cáo đến Thủ tướng về vụ việc một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân hạt điều có dấu hiệu bị lừa đảo khi xuất hàng sang Ý, và kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Interpol Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã lên lịch họp để tìm hướng giải quyết. Cuộc họp dự kiến tổ chức tại văn phòng phía Nam vào ngày 17/3/2022. Đây là cuộc họp quan trọng và VINACAS đã thành lập đoàn để tham dự họp do ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực VINACAS làm trưởng đoàn. Tình hình hiện rất cấp bách vì 36 container đã và đang đến các cảng của Ý và các doanh nghiệp có nguy cơ mất tất cả số container này.
Đại diện Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết: Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nhân điều thường dùng phương thức thanh toán T/T (điện chuyển tiền), D/P (trả tiền nhận chứng từ) và CAD (thanh toán chứng từ trả tiền ngay) khi ký hợp đồng. Phương thức D/P hoặc CAD bớt rủi ro không được thanh toán cho người bán, mà cũng không mất nhiều thời gian, không yêu cầu người mua phải ký quỹ tại ngân hàng nên thường được cả người mua, người bán cùng chấp nhận. Từ đó hình thành cái gọi là thông lệ quốc tế trong kinh doanh.
“Bản chất của D/P, CAD hay L/C (thư tín dụng là thư do ngân hàng phát hành, theo yêu cầu của người nhập khẩu) đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán, kể các L/C”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải cũng cho biết, L/C là một phương thức thanh toán ít rủi ro nhất, nhưng tiếc thay, lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản.
Dẫn lời một doanh nghiệp có hàng bị “mắc kẹt” tại Ý, ông Trần Thanh Hải cho hay, hàng nông sản giá trị thấp, mỗi lô hàng có trị giá vài trăm nghìn USD. Người mua thì không mua nhiều một lúc, mà mua gối đầu, từng lô nhỏ. Nếu lô hàng nào cũng mở L/C thì mỗi tháng có khi đến vài chục L/C. Mở L/C thì phải ký quỹ ngân hàng, không 100% thì cũng phải một tỉ lệ nào đó. Như vậy, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng, lên đến cả tháng trời. Không người mua nào muốn như thế, nếu mình cứ khăng khăng đòi L/C thì họ sẽ đi tìm người bán khác.
Đó là chưa kể thời gian để nhận được L/C của ngân hàng người mua cũng khá dài, ít nhất phải một tuần mà giá thị trường thì biến động từng ngày. Trong khi phải nhận được L/C thì người bán mới có thể giao hàng. Đã mua bán thì ai cũng muốn kết thúc thương vụ nhanh chóng, dứt điểm.
Do đó, theo doanh nhân trên, L/C chỉ chiếm khoảng 5% tỉ lệ thanh toán trên thực tế đối với hàng nông sản. Khi được hỏi, họ dùng T/T, D/P và CAD, biết là rủi ro hơn L/C nhưng họ vẫn chấp nhận vì cả thị trường đều như vậy. Cái này gọi là “thông lệ quốc tế trong kinh doanh”.
Ông Hải nhấn mạnh, qua trao đổi với doanh nghiệp, có thể thấy thế mạnh đàm phán thuộc về ai. Khi thị trường là của người mua thì họ sẽ đưa ra phương thức thanh toán tiện nhất cho họ. Nếu thị trường thuộc về người bán thì người bán mới có thể áp đặt được phương thức có lợi cho mình.
Ông Hải khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu phải kiểm tra người mua kỹ hơn, qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Đặc biệt là giành quyền thuê tàu, vì khi thuê tàu thì ta sẽ chủ động hơn trong việc nắm lịch trình và có vấn đề gì thì ta làm việc với hãng tàu cũng dễ hơn vì ta là người trả tiền cho họ.