Thư của Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, năm 2022 trong bối cảnh khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt được kết quả quan trọng. Tổng thu NSNN năm 2022 ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021. Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, bố trí cân đối nguồn vốn đảm bảo nhiệm vụ chi NSNN được giao.
Đạt được kết quả trên, một mặt là do kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định, môi trường hoạt động kinh doanh được cải thiện, thu hút vốn đầu tư trong nước, nước ngoài đạt khá; mặt khác là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo, phối kết hợp của các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp.
"Thay mặt đội ngũ những người làm công tác tài chính – ngân sách trong cả nước, xin trân trọng gửi tới đồng chí bí thư, chủ tịch lời cảm ơn sâu sắc về sự chia sẻ, động viên, đặc biệt là sự chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn trong việc phối hợp chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan, tài chính, kho bạc để quản lý thu NSNN thời gian vừa qua" - trong thư Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, triển khai Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, từ ngày 1/7/2022 hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó, 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bao gồm cả người nộp thuế hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) đã sử dụng HĐĐT.
Đạt được những kết quả bước đầu nêu trên, không thể không kể đến sự quan tâm, giúp đỡ và sự phối hợp chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trong thời gian qua, giúp công tác quản lý thu của ngành Thuế nói chung và công tác triển khai HĐĐT nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, các hình thức HĐĐT thông thường như hóa đơn có mã, hóa đơn không mã đã triển khai trong thời gian qua chưa đáp ứng tốt cho một số hoạt động kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng, có thời gian hoạt động thường xuyên, liên tục, giá trị từng hóa đơn không nhiều nhưng số lượng hóa đơn rất lớn như: hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vui chơi giải trí, siêu thị,…
Để đáp ứng tốt hơn việc sử dụng HĐĐT của doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng, ngành Thuế đã xây dựng giải pháp và chính thức vận hành hệ thống HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 15/12/2022.
HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền có nhiều lợi ích
Theo Bộ Tài chính, HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền sẽ có những lợi ích như: có thể xuất HĐĐT ngay cho khách hàng kể cả ngoài giờ hay đêm khuya do hóa đơn in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế chính là HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định.
Chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường;
Tại một địa điểm bán hàng có thể thiết lập nhiều máy tính tiền theo quy định để xuất HĐĐT cho khách hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi;
Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng cần hóa đơn để tham gia dự thưởng do thông tin trên HĐĐT từ máy tính tiền có thêm trường thông tin về chứng minh nhân dân/căn cước công dân trong trường hợp người mua hàng chưa có mã số thuế hoặc không nhớ mã số thuế.
Năm 2023 dự báo công tác thu ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức
Trong thư, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, trong bối cảnh năm 2023 dự báo công tác thu ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi áp lực từ sức ép lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác, dự toán thu ngân sách năm 2023 tăng gần 17% so với dự toán năm 2022. Đồng thời, việc triển khai áp dụng HĐĐT là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong chương trình chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để thực hiện thành công HĐĐT nói chung và HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền nói riêng.
Với tinh thần đó, Bộ Tài chính kính đề nghị các lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương quan tâm và chỉ đạo trên địa bàn thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Một là, chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn: tài chính, ngân hàng nhà nước, công thương, công an, thông tin truyền thông..., phối hợp với cơ quan thuế để đề xuất các giải pháp nhằm chống thất thu NSNN, trong đó tập trung vào khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, trọng tâm là lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng bán lẻ ít lấy hóa đơn (ăn uống, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh vàng bạc,...).
Hai là, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc triển khai HĐĐT nói chung và triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong thời gian tới.
Ba là, chỉ đạo UBND tỉnh/thành phố để chỉ đạo cục thuế chủ trì tham mưu với cấp ủy và chính quyền địa phương các giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền gắn với chương trình "Hóa đơn may mắn" do ngành Thuế triển khai trên toàn quốc.
"Bộ Tài chính kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ và phối hợp của bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nói chung và quản lý thu thuế nói riêng" - thư Bộ trưởng viết.