Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất là rất cần thiết

Admin
Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung tại Phiên họp Chính phủ Thường kỳ, tháng 9/2020.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Sang quý III/2020, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, trong đó có vấn đề lao động, việc làm, an sinh. Riêng về việc làm, thị trường lao động phục hồi nhanh và ổn định trở lại, nhất là một số ngành nghề khó khăn gần đây với tỷ lệ thất nghiệp là 2,48% là cho phép được.

Quý III/2020 này lực lượng lao động trở lại thị trường là 1,4 triệu người. Đây là tín hiệu đáng mừng trong khi thời điểm này, Nhật Bản, Thái Lan đang tung ra những gói hỗ trợ 1.000 USD cho mỗi người về nông thôn để có tạo việc làm tạm thời.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết một khó khăn khác là việc đưa người đi lao động ở nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Theo đó, một năm thông thường có 148.000-150.000 người Việt Nam đi lao động nước ngoài, năm nay phải đóng cửa nên đến thời điểm này chỉ có 39.000 người.

Về việc sửa Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện tại Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp ý kiến, báo cáo với Thủ tướng và thành viên Chính phủ sau khi có Nghị quyết phiên họp tháng 8, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến các ngành và xin ý kiến các thành viên thì 20/20 thành viên Chính phủ đã thống nhất với nội dung sửa Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã tổ chức họp với các ngành và có thông báo kết luận. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ rà soát để trình cấp có thẩm quyền.

Trong đó, sẽ bổ sung thêm nhóm đối tượng được hỗ trợ là giáo viên mầm non và các trường tư thục không có việc làm.

Đề cập đến việc cho vay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, doanh nghiệp được vay trong gói 16 nghìn tỷ, đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay, bởi chúng ta đặt ra tiêu chí quá cao, quá khắt khe là doanh nghiệp không có doanh thu, không còn nguồn thu, không có tiền để trả lương thì mới được vay; đặt ra tiêu chí đó thì doanh nghiệp đã “chết” rồi. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị cho sửa đổi theo tinh thần Thường trực Chính phủ đã bàn là doanh nghiệp có nguồn thu giảm 20% so với quý IV của năm 2019 và quý liền kề trước thời điểm xét hưởng, giảm 20% so với cùng kỳ 2019, thì được cho vay.

Cần cắt giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp bằng cách lược bỏ các điều kiện thẩm định của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, doanh nghiệp tự làm việc trực tiếp với ngân hàng, tự kê khai và chịu trách nhiệm về việc vay mình.

Đối với về việc tạm hoãn đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, thời gian qua chúng ta cho tạm dừng chỉ được khoảng trên 300 tỷ, mới có 926 doanh nghiệp, 74.980 người được tạm dừng. Doanh nghiệp hiện nay đóng 14%, người lao động đóng 8%, mà doanh nghiệp với cá nhân đều khó khăn, thì việc tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất là rất cần thiết.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội chỉ quy định được giảm nhưng tối đa 12 tháng. Chính phủ quy định ở Nghị định 115/NĐ-CP với 2 tiêu chí: Doanh nghiệp phải có 50% số người lao động ngừng nghỉ việc, thứ hai là tài sản giảm 50%. Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị cho phép giảm xuống 20% số người lao động ngừng việc là được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, thời gian tạm dừng đóng tối đa 12 tháng.

Tuy nhiên, sau khi làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thống nhất kiến nghị thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là khoảng 03 tháng. Số tiền doanh nghiệp được tạm dừng đóng trong 3 tháng này là 20 nghìn tỷ đồng.