Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa toàn diện Luật BHYT

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các đại biểu, hoàn thiện dự án luật nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Tiếp tục Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV, chiều ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội thông tin cử tri đang rất bức xúc vì dù tham gia BHYT mà vẫn phải mua thuốc bên ngoài hoặc bị chậm thanh toán BHYT…

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chiều 31/10. Ảnh: SKĐS

Cử tri bức xúc tham gia BHYT mà vẫn phải mua thuốc bên ngoài

Theo đại biểu (ĐB) Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho hay, việc bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi bệnh viện không có thì sẽ được thanh toán như thế nào đang là vấn đề cử tri rất quan tâm.

Theo ĐB, trước khi trình Quốc hội dự luật này, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, để giải quyết vấn đề thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế cho người tham gia BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh. “Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tôi nhận thấy thông tư này không giải quyết được vướng mắc trên, cũng không thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc như hiện nay” - ĐB Cường nói.

Đại biểu Cường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về nội dung thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc, vật tư y tế (Điều 31 dự thảo luật) để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Tương tự, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cũng cho rằng, trong tình hình hiện tại, tình trạng thiếu hụt thuốc, vật tư y tế khiến nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế phải tự mua, ảnh hưởng tới quyền lợi, tài chính cá nhân của người bệnh.

ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh). Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu đề xuất bổ sung Điều 43 của Luật Bảo hiểm y tế quy định: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế cần thiết cho người bệnh bảo hiểm y tế. Nếu người bệnh phải mua ngoài, cơ sở y tế có trách nhiệm hoàn trả chi phí trước khi bệnh nhân xuất viện. Quy định này giúp đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ngay tại cơ sở y tế, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý chi phí.

Cũng quan tâm tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, cần phải nhận định khách quan vấn đề này, nắm bắt thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề ra những giải pháp quyết liệt trong thời gian tới để hướng tới phục vụ người dân, đảm bảo quyền lợi của người có bảo hiểm y tế được khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá việc ban hành các quy định pháp luật trong thời gian vừa qua, đặc biệt là một số luật rất quan trọng với ngành y tế như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sắp được thông qua...

Theo đó, để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong thực thi, các quy định pháp luật cần được rà soát, bổ sung và hoàn thiện để tạo thành một hệ thống pháp luật thống nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp dược phẩm trong nước đầu tư sản xuất, đặc biệt là các loại thuốc thiết yếu và thuốc biệt dược gốc.

Đồng thời, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để vừa khuyến khích sản xuất thuốc trong nước, vừa đảm bảo nguồn cung cấp thuốc ngoại nhập, đặc biệt là các loại thuốc hiếm, phục vụ nhu cầu điều trị của người bệnh. Cần chủ động đàm phán giá thuốc với các nhà sản xuất để đảm bảo giá thuốc hợp lý, giảm gánh nặng cho người bệnh.

Người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo cần được lên thẳng tuyến trên

Một trong những điểm mới tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân là bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ BHYT.

Dự thảo luật cũng sửa đổi quy định mang tính chất “thông tuyến” huyện toàn quốc đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản đã được cấp có thẩm quyền phân tuyến huyện trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 thay vì chỉ “thông tuyến” huyện toàn quốc đối với bệnh viện tuyến huyện như luật hiện hành nhằm thu hút người tham gia BHYT tăng cường khám chữa bệnh tại y tế cơ sở để thể chế hóa Chỉ thị số 25-CT/TW về tăng cường y tế cơ sở…

Thảo luận về quy định này, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Theo đó, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) nhất trí cao với đề xuất thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, giúp giảm lãng phí về thời gian, công sức và tiền bạc của người bệnh. Bởi nhiều bệnh hiểm nghèo, khó chữa trị ở tuyến ban đầu nhưng vẫn bắt buộc phải khám ở tuyến cơ sở.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, dự thảo Luật đã đơn giản hóa thủ tục chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, mở rộng hơn quyền lợi của người khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Điều này rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cùng với việc quy định đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến, cần xem xét quy định việc liên thông kết quả khám cận lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh trước đó để giảm thời gian chờ đợi, khám, chữa bệnh của người bệnh; giảm chi phí cho người bệnh; chống lãng phí, tiết kiệm chi phí cho Quỹ bảo hiểm y tế để sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây cũng là bước đệm quan trọng nhằm tiến tới đồng bộ và liên thông các hồ sơ, dữ liệu của bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên toàn quốc và nâng cao trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh trong việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng bệnh viện.

Còn theo đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) lại cho rằng, quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh với tỷ lệ chi trả điều trị nội trú 100% chi phí theo phạm vi mức hưởng, tạo sự bất cập, làm tăng số lượt khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến trên, nhất là nội trú tuyến tỉnh, giảm số lượt khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã. Đại biểu đề nghị cần có chính sách để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở cả về nhân lực và trang thiết bị để giảm áp lực cho các tuyến trên. 

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cũng đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về thông tuyến BHYT, bởi thực hiện thông tuyến giữa tuyến huyện với tuyến huyện, giữa tuyến huyện với tuyến tỉnh, tuyến tỉnh với tuyến trung ương còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, thủ tục chuyển tuyến chưa thực sự thuận lợi; thủ tục thay đổi nơi đăng ký bảo hiểm từ nơi cũ đến nơi mới còn khó khăn và chậm trễ, đề nghị Bộ Y tế và Ủy ban Xã hội tiếp tục rà soát để kịp thời tháo gỡ.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, Phó trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, đây là điểm rất mới và rất phù hợp nguyện vọng người dân, nguyện vọng cử tri và cũng là khắc phục bất cập của thực tiễn khi thực hiện luật BHYT trước đây.

"Hiện nay đã phân cấp khám, chữa bệnh. Cấp khám chữa bệnh chuyên sâu sẽ điều trị những bệnh thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, trong đó có những bệnh hiếm và hiểm nghèo. Tôi cho rằng nội dung này rất phù hợp, đại biểu tán thành, đồng thời người dân cũng rất hưởng ứng và rất cần cơ quan soạn thảo quy định cụ thể danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo", bà Hà trao đổi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình tại phiên thảo luận chiều 31/10. Ảnh: Quochoi.vn

Giải trình, làm rõ một số nội dung các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, dự thảo luật lần này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 20/2017 của Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết này đề ra mục tiêu đến năm 2030, 95% người dân được tham gia BHYT và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân tại các cơ sở y tế.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của ĐB tại phiên thảo luận, hoàn thiện dự thảo luật” - Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Minh Anh (T/h)