Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 tiếp tục phát triển các sản phẩm đang có lợi thế của tỉnh, như: Phân bón vô cơ, dược phẩm… Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường.
Đồng thời, thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghiệp hóa chất khác, hướng vào các phân ngành công nghiệp hóa chất trọng điểm theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam và các phân ngành hóa chất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh như: hóa dược, phân bón, khí công nghiệp, sản phẩm hóa chất phục vụ nông nghiệp…
Đến năm 2040 tiếp tục phát triển và hình thành một số dự án thuộc phân ngành công nghiệp hóa chất trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và có giá trị kinh tế cao.
Trong đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và hướng vào các phân ngành trọng điểm.
Khuyến khích các doanh nghiệp có quy mô lớn tiếp tục đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, trở thành các thương hiệu mạnh, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát triển ngành trên cơ sở tập trung phát huy lợi thế đã có của một số ngành sản xuất, bên cạnh đó thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm mới trên nguyên tắc: Dự án có công nghệ hiện đại, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường, coi trọng hiệu quả kinh tế và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong ngành công nghiệp hóa chất có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, khuyến khích các dự án FDI đầu tư vào một số phân ngành trọng điểm theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam như: Hóa dược, phân bón, hóa dầu, khí công nghiệp, cao su kỹ thuật, sản phẩm hóa chất phục vụ nông nghiệp…
Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng hiện đại, bền vững, hướng đến tăng trưởng xanh; triển khai linh hoạt, hiệu quả trong quá trình thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hóa chất.
Khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, hợp lý hóa sản xuất ở các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ; các dự án hóa chất sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Ngoài ra, phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tập trung, phù hợp với lợi thế của từng vùng, địa phương, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh; các dự án sản xuất trong ngành hóa chất phải được bố trí tập trung trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh nhằm quản lý tập trung, đảm bảo khoảng cách an toàn đến khu dân cư.
Thuận Yến (t/h)