Giờ vào học quá sớm gây khó cho học sinh, phụ huynh
Năm học mới 2023-2024 chính thức bắt đầu được 3 ngày với bao háo hức, rộn ràng. Tuy nhiên, thực tế, ngày các con bước chân đến trường cũng khiến không ít gia đình náo loạn cuộc sống.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh Lê Đức Minh, có con học lớp 1 Trường Tiểu học Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi kể: "Cầm tờ thời khóa biểu của con trên tay mà hai vợ chồng tôi không biết sẽ thế nào trong những ngày tiếp theo".
Anh Minh lý giải giờ vào học của con quá sớm nên nếp sinh hoạt của gia đình cũng bị đảo lộn. "Mấy ngày qua, cứ 5h30 là vợ chồng tôi phải gọi con dậy. Thực sự lúc đó cả nhà còn chưa tỉnh ngủ. Vợ tôi lo đồ ăn sáng, tôi lo cho con làm vệ sinh cá nhân, quần áo, giày dép rồi ăn sáng. Trẻ con phải dậy sớm còn ngái ngủ đã phải ép ăn rất tội. Sau khi con ăn sáng xong thì 6h30 đưa con đến trường để 6h45 vào học. Sáng nào cả nhà cũng gấp gáp, vội vàng".
Chưa hết, theo anh Minh, do trường không học bán trú nên học sinh sẽ về nghỉ trưa: "Những hôm con học 4 tiết thì 9h55 đã phải sấp ngửa đi đón con. Hôm nào học 5 tiết thì 10h35. Giờ vào học quá sớm khiến giờ tan học cũng sớm. Con học cách trường 2km nên vợ chồng tôi phải cắt cử 1 người ở nhà chỉ lo đưa đón con đi học và lo con ăn uống".
Anh Minh bày tỏ: "Vẫn biết lịch học của con như vậy thì phụ huynh phải sắp xếp thời gian lo cho con. Tuy nhiên, ở Quảng Ngãi, mùa nắng có thể cho học sinh học sớm nhưng vào mùa mưa thì trời tối, trời lạnh, bắt con phải dậy sớm quá vất vả. Nhà trường nên linh hoạt thời gian học cho các con".
Theo anh Minh, giờ vào học của học sinh cấp 1 lúc 7h là hợp lý. Như vậy vừa phù hợp với nhịp sinh hoạt của gia đình mà đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Không chỉ có gia đình anh Minh, nhiều gia đình có con học cấp 1 ở các tỉnh thành khác cũng cho biết con phải đến trường lúc 6h30 để vào học lúc 6h45. Thậm chí có trường còn 6h30 hoặc 6h40 đánh trống để học sinh vào lớp truy bài đầu giờ.
Chị Phan Thu Hằng, một phụ huynh có con học lớp 1 ở tỉnh Hưng Yên cho hay: "6h40 vào lớp nghĩa là con phải có mặt ở trường 6h30 và 6h con đã phải đi học. Nếu đi muộn sẽ có sao đỏ chấm điểm ảnh hưởng đến thành tích của con và lớp. Giờ vào học quá sớm khiến cả mẹ lẫn con sáng nào cũng vất vả".
Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn nhà trường linh hoạt giờ vào học của học sinh trong khoảng 7h-7h30.
"Khung giờ vào học một số trường quá sớm vào buổi sáng và buổi chiều gây khó khăn cho học sinh về đảm bảo giấc ngủ và thích nghi về giờ sinh học. Đồng thời, mỗi trường, mỗi lớp có giờ nghỉ khác nhau cũng gây khó khăn cho việc đưa đón con em, nhất là người làm trong khối cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công nhân… vì chưa hết giờ làm việc. Nếu tự đón thì vi phạm giờ làm việc hoặc không thể thực hiện, nếu thuê người đón thì tăng chi phí gia đình", một ý kiến nêu.
Vào học sớm để học sinh có thời gian nghỉ trưa?
Liên quan đến lịch học này, chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Bùi Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho hay: "Thời khóa biểu của trường bắt đầu 6h45 là cho học sinh vào lớp sinh hoạt đầu giờ để 7h vào học. Thời khóa biểu này cũng áp dụng cho toàn huyện từ trước tới giờ".
Theo cô Mai: "Do thời tiết ở địa phương nắng nóng nên vào học sớm để 10h hoặc 10h35 các em tan học. Trường chưa tổ chức bán trú nên cho các em về sớm để ăn trưa, ngủ nghỉ để học tiếp buổi chiều. Thời gian biểu này cố định cả năm. Ở đây 7h trời đã nắng chang chang. Lâu nay không thấy phụ huynh có ý kiến gì về thời khóa biểu này".
Đây cũng không phải là năm đầu tiên phụ huynh phản ánh về tình trạng giờ vào học sớm. Năm học trước, nhiều phụ huynh ở TP.HCM cũng bức xúc khi lịch học của con quá sớm: "Tôi bất ngờ khi nghe giáo viên chủ nhiệm của con thông báo học sinh phải có mặt tại trường lúc 6h45 để đúng 7h học tiết đầu tiên trong ngày. Tôi không hiểu trường xếp lịch vào học sớm như vậy để làm gì trong khi buổi chiều mới 16h15 đã ra về. Giờ đó phụ huynh chưa tan sở, làm sao đi đón con? Chưa kể buổi sáng các cháu phải dậy sớm, rất tội nghiệp. Như con nhà tôi phải dậy từ 5h45 để vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng cho kịp đến trường".
Trước vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết Bộ đã giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục từ năm 2013 đến nay. Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học để các địa phương chủ động, đã có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học và tình hình cụ thể của địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện.
Như vậy, việc quy định chung về khung giờ làm việc tại các nhà trường được giao quyền chủ động cho địa phương xây dựng trên cơ sở căn cứ vào điều kiện thời tiết, khí hậu ở vùng, miền, địa phương, số tiết học của từng cấp học và căn cứ vào trường học 1 buổi hay 2 buổi. Đối với một số thành phố, khung giờ học của học sinh được bố trí theo cụm các quận, huyện và chênh lệch với nhau để giảm, tránh ùn tắc giao thông.