Cả nước có 1.912 doanh nghiệp có lượng phát thải lớn, nằm trong danh sách phải kiểm đếm lượng phát thải khí nhà kính. |
Hiện nay, cả nước có 1.912 doanh nghiệp có lượng phát thải lớn, nằm trong danh sách phải kiểm đếm lượng phát thải khí nhà kính và sẽ bị áp hạn ngạch giảm phát thải trong thời gian tới. Trong đó, TP.HCM có 140 doanh nghiệp. Vì vậy, việc mua bán tín chỉ carbon đang được nhiều doanh nghiệp rất quan tâm.
Trên cơ sở kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên ngành sẽ phân bố hạn ngạch phát thải khí nhà kính, từ đó doanh nghiệp sẽ biết mình có dư tín chỉ carbon để bán hay phải mua tín chỉ để bù đắp lượng thiếu hụt theo hạn ngạch được phân bổ phát thải. Theo Nghị định 06/2022, tín chỉ carbon có thể được sử dụng để bù đắp lượng khí thải vượt quá mức chi phép được phân bổ; nhưng không quá 10% tổng hạn ngạch được cấp cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp băn khoăn là hiện Việt Nam chưa có hạn ngạch phát thải khí nhà kính cụ thể cho từng doanh nghiệp, nên doanh nghiệp cũng chưa biết mình thuộc diện phải mua hay được bán tín chỉ carbon. Trong khi đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Tiến sỹ Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia Đánh giá quốc tế về kiểm kê khí nhà kính phát biểu. |
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, trong khi chờ hoàn thiện khung pháp lý thì ngay từ bây giờ doanh nghiệp phải có chuẩn bị, tạo ra tín chỉ carbon và tham gia thị trường này.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Phương Nam, tín chỉ carbon không tự nhiên có được mà phải trả qua nhiều quy trình, phải được công nhận của thị trường, chứng minh có sự tồn tại, phải có bên thứ 3 đánh giá. Các bước thực hiện để giao dịch tín chỉ carbon cụ thể gồm: Đăng ký - kiểm định/thẩm định - giám sát/đánh giá - thẩm định/kiểm định - chứng nhận - mua bán. Thông thường, cần ít nhất 3 năm để cơ quan chuyên ngành cấp chứng nhận tín chỉ carbon để có thể giao dịch trên thị trường.
Theo kế hoạch, từ năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; từ 2028 sẽ đưa vào vận hành chính thức và kết nối, trao dổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường tín chỉ carbon khu vực và thế giới. “Để sẵn sàng giao dịch thị trường tín chỉ carbon, đặc biệt để có thể tạo ra tín chỉ carbon đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn về phát triển bền vững, đầu tư tương xứng vào công nghệ sạch và chủ động tìm hiểu các thông tin, quy định của thị trường tín chỉ carbon để có những bước đi phù hợp” - Tiến sỹ Nguyễn Phương Nam khuyến nghị.
Ông Cao Tung Sơn, Trưởng phòng KTTV và BĐKH (Sở TN&MT TP.HCM) cho biết, theo Quyết định 01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM có 140 doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính. Theo yêu cầu của Bộ TN&MT, TP.HCM đã rà soát và bổ sung thêm 131 doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê. Khi được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, căn cứ trên kế hoạch và kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm, các doanh nghiệp sẽ biết mình trong trường hợp phải mua hay được bán tín chỉ carbon.
Tại chương trình, các đại biểu đều cho rằng Việt Nam có nhiều dự án tạo tín chỉ carbon vì lợi thế điều kiện tự nhiên và quy mô sản xuất lớn. Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó TGĐ Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM cho hay, riêng tại TP.HCM. nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, quy mô thị trường sản phẩm của thành phố có khả năng tạo ra tín chỉ carbon khoảng 790 triệu USD.
Trong đó, dự án Trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, chi phí đầu tư khoảng 405,1 triệu USD, thời hạn 15 năm, có thể giảm phát thải khoảng 12,3 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 206,9 triệu USD; dự án Nâng cấp xe máy điện (7,9 triệu xe cá nhân, 0,2 triệu xe dịch vụ), mức chi phí khoảng 6,9 tỷ USD, thời hạn 25 năm, mức giảm khoảng 34,6 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon đạt hơn 579 triệu USD…