Theo Quyết định 24/2017, giá bán điện được tính theo hai cơ chế gồm hằng năm và trong năm. Cơ chế hằng năm điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào tất cả khâu và trong năm khi có biến động đầu vào ở khâu phát điện.
Khi các thông số đầu vào làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành sẽ được xem xét điều chỉnh tăng (nếu giảm thì điều chỉnh giảm) 6 tháng một lần.
Giá điện được giữ nguyên trong 4 năm qua. Đến tháng 5/2023, giá điện được điều chỉnh tăng thêm 3% - tức mức thấp nhất theo Quyết định 24 - lên 1.920 đồng/kWh nhằm giảm tác động tới nền kinh tế và giải quyết một phần khó khăn tài chính, dòng tiền của EVN.
Tại toạ đàm “Tìm giải pháp thực hiện quy hoạch ngành năng lượng đáp ứng cam kết Net Zero” ngày 20/9, PGS, TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện lực miền Bắc cho biết, việc điều tiết giá bán lẻ điện phải dần dần theo hơi thở thị trường.
“Để thị trường bán lẻ điện có tính cạnh tranh trước hết cơ chế điều chỉnh giá của Chính phủ phải từng bước điều chỉnh để có tín hiệu thị trường. Có thể phải hy sinh những mục tiêu của ngành để phục vụ những điều lớn lao hơn là ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, 4 năm qua không điều chỉnh tăng giá điện dù giá đầu vào có những diễn biến thất thường. Đến ngày 4/5 vừa qua, giá điện được điều chỉnh nhưng chỉ tăng 3%”, ông Hồi nói.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam.
Trước đó, ngày 19/9, tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng, giá điện cần tính đủ chi phí sản xuất nếu muốn có nền kinh tế chuyển đổi xanh, tăng nguồn năng lượng tái tạo.
“Việc tăng giá điện có thể kéo theo phản ứng tiêu cực trong xã hội. Tuy nhiên, không thể nào phát triển năng lượng tái tạo mà không có lộ trình tăng giá điện ở mức đủ hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Thành nêu.
Do đó, chuyên gia đề xuất Chính phủ cần có chính sách ưu tiên thiết lập giá điện bằng với chi phí sản xuất mới, đặc biệt nếu nguồn cung mới đắt hơn chi phí trung bình và giá điện hiện nay.
Nếu chi phí của năng lượng tái tạo là 5 - 7 cent/kWh cộng với truyền tải, giá bán lẻ cần thiết sẽ vào khoảng 10 - 12 cent/kWh nếu bao gồm cả chi phí phân phối, bán lẻ.
Ở góc độ cơ quan quản lý, các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đánh giá, cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường. Giá mặt hàng này cũng không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào cũng như khan hiếm cung - cầu điện, chưa được hình thành theo từng khu vực địa lý.
Theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, chính sách về giá điện còn bất cập khi chưa có quy định về giá phân phối điện sẽ do Nhà nước điều tiết tương tự giá truyền tải hay không. Vấn đề tính đúng, tính đủ và lợi nhuận hợp pháp của các đơn vị điện lực.
Ngoài ra, thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện và vấn đề trong điều hành cũng chưa hợp lý.
Do đó, Uỷ ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra) của Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá phải bảo đảm điều hành minh bạch, không gây ảnh hưởng lớn, đột ngột và tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.