
Với việc chính thức tham gia CORSIA từ năm 2026, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm quốc tế trong việc phát triển hàng không bền vững
Tin từ Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Xây dựng), ngày 30/6, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã xác nhận việc Cục Hàng không Việt Nam đăng ký tham gia giai đoạn tự nguyện của CORSIA (Cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế), bắt đầu từ ngày 1/1/2026.
CORSIA (Carbon Offsetting and Reduction Scheme for International Aviation) là cơ chế toàn cầu do ICAO khởi xướng nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon trong lĩnh vực hàng không quốc tế từ năm 2020 trở đi. Các quốc gia khi tham gia CORSIA sẽ phải giám sát, báo cáo và thực hiện các biện pháp bù đắp lượng phát thải khí CO₂ từ các chuyến bay quốc tế thông qua việc mua tín chỉ carbon.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thời gian qua đơn vị đã triển khai nhiều bước chuẩn bị quan trọng. Theo đó, Bộ Xây dựng (trước đó là Bộ GTVT) đã ban hành Thông tư quy định về quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO₂ trong hoạt động hàng không dân dụng;
Thực hiện hệ thống giám sát – báo cáo – thẩm tra (MRV) lượng phát thải của các hãng hàng không; Gửi báo cáo dữ liệu phát thải quốc tế cho ICAO trong các năm 2019–2024.
Ngoài ra, Cục Hàng không cũng chủ động nghiên cứu các chính sách liên quan đến phát triển bền vững của ICAO, Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức nhiều cuộc họp với các bên liên quan để đánh giá tác động, xây dựng giải pháp phù hợp khi tham gia CORSIA.
Trách nhiệm quốc tế trong việc phát triển hàng không bền vững
Mặc dù việc tham gia cơ chế CORSIA là bước tiến tích cực trong tiến trình chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế, song Cục Hàng không cũng cảnh báo: các hãng hàng không trong nước sẽ phải đối mặt với áp lực tài chính không nhỏ.
Theo dự báo, chi phí mua tín chỉ carbon trong giai đoạn tự nguyện có thể dao động từ 13–92 triệu USD, tùy thuộc vào giá thị trường tín chỉ (từ 6–40 USD/tín chỉ). Đây là con số đáng kể, nhất là trong bối cảnh nhiều hãng hàng không Việt đang phục hồi sau đại dịch và chịu sức ép cạnh tranh gay gắt.
Cơ chế CORSIA được ICAO thiết kế gồm 3 giai đoạn chính: Giai đoạn khởi động (Pilot Phase): 2021–2023, áp dụng cho các quốc gia tham gia tự nguyện; Giai đoạn 1: 2024–2026, tiếp tục áp dụng tự nguyện.
Giai đoạn 2: 2027–2035, áp dụng bắt buộc với các quốc gia có hoạt động hàng không quốc tế vượt ngưỡng 0,5% RTK toàn cầu (tính theo năm 2018), trừ các quốc gia kém phát triển, các đảo quốc nhỏ đang phát triển và quốc gia không có đảo nếu không tự nguyện tham gia.
Với việc chính thức tham gia CORSIA từ năm 2026, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm quốc tế trong việc phát triển hàng không bền vững. Đồng thời, đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng nhằm đáp ứng các chính sách khí hậu khắt khe từ các thị trường lớn, đặc biệt là châu Âu.
Tại Nghị quyết lần thứ 41 (năm 2022), Đại hội đồng ICAO đã kêu gọi mạnh mẽ các quốc gia tham gia tự nguyện giai đoạn khởi động và giai đoạn đầu của CORSIA, để góp phần vào nỗ lực chung giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hãng bay, các cơ quan liên quan để thống nhất các đề xuất chính sách, cơ chế hỗ trợ tài chính – kỹ thuật, giúp doanh nghiệp hàng không thích ứng hiệu quả với các yêu cầu mới của CORSIA.
Phan Trang