Ông Đặng Xuân Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF).
Cần đột phá về thực thi hỗ trợ doanh nghiệp sau COVID-19
Kỳ Văn
06:57 06/11/2021
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất: Biện pháp hỗ trợ doanh nghiêp cần có những đột phá, không chỉ trong văn bản mà cả việc thực thi và thời điểm triển khai.
Ngày 5/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Đại học Fullbright Việt Nam (FUV) tổ chức Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam với chủ đề “Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững”.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Đặng Xuân Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), nhận định COVID-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Nghiên cứu của NCIF cho biết, trong 2 năm qua và đặc biệt từ đợt dịch COVID-19 thứ 4, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đặc biệt đời sống của nhân dân đã bị ảnh hưởng nặng nề và kéo dài.
COVID-19 không còn được coi là sự gián đoạn đơn thuần mà đã và đang làm thay đổi cấu trúc kinh tế cũng như các hành vi đầu tư, sản xuất, tiết kiệm tiêu dùng, tác động tiêu cực đến các động lực tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn.
Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhất cho Việt Nam trong thời gian tới.
Chương trình được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về nguồn lực, cũng như định hướng đến các ngành, các vùng động lực tăng trưởng phục hồi sản xuất, góp phần phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Dự báo về kinh tế Việt Nam, nghiên cứu của NCIF cho rằng quý 4/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh. Tăng trưởng quý 4/2021 sẽ dao động từ 2,02 - 3,17% và cả năm sẽ đạt 1,9% (kịch bản khả quan), 1,52% (kịch bản cơ sở). Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, kinh tế 2021 có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,43%.
Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu của NCIF dự báo tăng trưởng GDP vào khoảng 5,8% (kịch bản cơ sở) và có thể cán mốc 6,7% nếu các yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi trở lại của nền kinh tế.
Tại Diễn đàn, Quyền trưởng đại diện thường trú UNDP Terence Jones nhận định: Những tác động của đại dịch với người lao động cho thấy những chính sách mới sẽ có vai trò trọng yếu để có thể hỗ trợ cho người lao động.
Theo ông Terence Jones, trong khủng hoảng COVID -19, bên cạnh những thách thức cũng có những cơ hội để Việt Nam có thể xây dựng, thử nghiệm các mô hình tăng trưởng kinh tế.
“Một giá trị đem lại của Diễn đàn lần này để chúng ta có thể tích cực đóng góp các giải pháp làm thế nào để phát triển bền vững, cũng như đưa ra các ý tưởng về mô hình tăng trưởng mới, thích ứng với trạng thái bình thường để đảm bảo cho người dân một tương lai bền vững hơn, cuộc sống tốt hơn”, ông Terence Jones nói.
Đề xuất về chính sách, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, NCIF khuyến nghị: Trong giai đoạn ngắn hạn, Việt Nam cần kiểm soát dịch bệnh, thực hiện tốt phương châm thích ứng an toàn với COVID-19 theo Nghị quyết 128/NĐ-CP (thống nhất nhận thức về kiểm soát dịch); tăng quy mô các gói hỗ trợ an sinh xã hội, nghiên cứu đưa ra chiến lược phối hợp giữa an sinh xã hội và kích cầu tiêu dùng.
“Cần đánh giá đúng nguy cơ lạm phát để có biện pháp bình ổn. Tập trung giảm chi phí cho doanh nghiệp trong bối cảnh sức chống chịu của doanh nghiệp giảm nhanh. Biện pháp hỗ trợ doanh nghiêp cần có những đột phá, không chỉ trong văn bản mà cả việc thực thi và thời điểm triển khai. Các gói hỗ trợ tiếp theo cần tập trung vào việc giảm giá điện, thuế môi trường trong xăng dầu, chi phí giao thông BOT hơn. Tiếp tục hỗ trợ chi phí giữ lao động của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và lớn”, ông Thắng nói.
Đồng thời, ông Thắng cho rằng, về tín dụng, cần sử dụng các biện pháp gián tiếp, như nới room tín dụng cho một số ngân hàng kèm theo điều kiện hạ lãi suất dài hạn; hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu; kiểm soát nợ xấu, kế hoạch phòng ngừa nợ xấu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Về trung hạn và dại hạn, theo ông Thắng, cần coi phục hồi kinh tế sau COVID-19 như một cơ hội để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Chú trọng những vấn đề mang tính cấu trúc, thể chế bộc lộ trong giai đoạn COVID-19 như phân cấp, phân quyền giữa địa phương, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính công, chuỗi cung ứng, công nghiệp phụ trợ...
Ngoài ra, cần thúc đẩy kinh tế số thông qua đầu tư công vào các công trình hạ tầng số quốc gia. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tại quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp.
Tận dụng gói hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới với phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ tạo được bước đột phá lớn trong công nghệ cốt lõi.
Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam với chủ đề “Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững” đầu cầu tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.