Năm 2021, bức tranh kinh tế Việt Nam đã khép lại ở con số tăng trưởng 2,58%. Đó là những nỗ lực không nhỏ của cả nước trong một năm kinh tế - xã hội đầy thách thức để có thể đạt mức tăng trưởng dương trong cả năm. "Việt Nam đã có sự phục hồi đáng ghi nhận trong những tháng cuối năm. Bước ngoặt này có được từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, chỉ có thích ứng an toàn mới có thể phục hồi sản xuất, giảm tổn thương của nền kinh tế", ông Jacques Moriset, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, vì vậy doanh nghiệp còn dè dặt trong việc triển khai các kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là yêu cầu cấp bách.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần may 10 cho biết: “Ảnh hưởng của đại dịch có thể kéo dài đến 2022, thậm chí sang năm 2023. Chính vì vậy, việc giãn, hoãn đóng thuế sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh và dần phục hồi”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế trong hai năm 2022 - 2023 cần có trọng điểm, dẫn vốn vào khu vực cấp bách, cần thiết và có khả năng hấp thụ được vốn. Xây dựng chương trình quản lý rủi ro, phân bổ nguồn lực phải công khai minh bạch, tránh thất thoát.
Theo các chuyên gia kinh tế, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi cần lưu ý 3 điểm mấu chốt để chương trình phát huy hiệu quả tốt nhất, đó là: Năng lực thực thi, kịp thời và đúng đối tượng.
“Tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi tốt, tăng trưởng có thể đạt 6 - 6,5%, thậm chí cao hơn nếu chúng ta triển khai tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đang thiết kế và Quốc hội sẽ thông qua trong thời gian tới. So sánh với khu vực thì nước ta đang có hiện tượng lỡ nhịp, lỡ cơ hội vì chúng ta phục hồi chậm hơn. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng với những thay đổi về chiến lược phòng chống dịch và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ tạo đà phục hồi tích cực” - chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nêu ý kiến.
Hiện quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn chưa được quyết định. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn, tổng cầu yếu, cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn để kích thích nền kinh tế, giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.