Những hình ảnh này được tạo bằng công cụ AI với độ chân thực cao, trong đó nhân vật chính thường là người dùng đứng cạnh phương tiện giao thông, tạo dáng chuyên nghiệp bên cạnh một hoặc nhiều cá nhân mặc trang phục giống lực lượng CSGT đang thực hiện thao tác xử lý vi phạm. Kèm theo đó là những chú thích mang tính hài hước, giễu nhại như: “Em là cảnh sát giao thông, viết hộ chị cái bill”, hoặc “Phạt nặng lên chứ anh/chị không có tiền lẻ”.

Mặc dù nhiều hình ảnh có gắn nhãn “Hình ảnh được tạo bởi AI” và được chia sẻ với mục đích giải trí, nhưng trào lưu này đang làm dấy lên không ít tranh cãi trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng việc mô phỏng lực lượng chức năng trong bối cảnh giả định, dàn dựng có thể gây hiểu lầm, tạo ra những thông tin không chính xác, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân và trật tự xã hội trên không gian mạng.
Theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân – đặc biệt là với các lực lượng thực thi pháp luật – có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt lên tới 50 triệu đồng. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tạo ảnh bằng trí tuệ nhân tạo, các chuyên gia khuyến cáo người dân, đặc biệt là giới trẻ, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi sử dụng AI. Việc sử dụng công nghệ hiện đại vào những nội dung có yếu tố nhạy cảm cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và thông tin chính thống trên môi trường mạng.