Cảnh giác với chiêu trò giả danh quân nhân để lừa đảo

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tiếp xuất hiện các đối tượng giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong dư luận.

Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum, thủ đoạn của các đối tượng là tạo một tài khoản mạng xã hội Zalo giả mạo cán bộ chiến sĩ đang công tác trong lực lượng quân đội, đăng tải nhiều hình ảnh liên quan đến lực lượng quân đội. Đồng thời, tạo thêm một tài khoản Zalo giả danh doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm. Đối tượng liên hệ với các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa, nhà hàng, tự giới thiệu là cán bộ đang công tác cơ quan quân đội ở địa phương, thông tin về địa chỉ trụ sở đơn vị và bản thân được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ đặt hàng hóa, suất ăn... với số lượng lớn để phục vụ công tác.

Cảnh giác với chiêu trò giả danh quân nhân để lừa đảo- Ảnh 1.

Đối tượng làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để tạo niềm tin, sau khi kết thúc cuộc gọi, các đối tượng chủ động kết nối với chủ cơ sở kinh doanh bằng Zalo giả mạo quân nhân; trao đổi thông tin về số lượng hàng hóa, suất ăn dự định sẽ đặt cho đơn vị và yêu cầu gửi báo giá. Sau khi nhận báo giá, để tạo "niềm tin", các đối tượng chủ động đề nghị chuyển khoản trước một số tiền để đặt cọc và hứa sẽ thanh toán đầy đủ sau khi nhận hàng tại đơn vị.

Các đối tượng tiếp tục gửi cho chủ cơ sở kinh doanh loạt giấy tờ giả mạo, như thẻ quân nhân, giấy ra vào cổng, bảng kê mua hàng... Tiếp theo, đối tượng lừa đảo sẽ gửi hình ảnh, đề nghị chủ cơ sở kinh doanh tiếp tục báo giá một số mặt hàng theo tiêu chuẩn riêng mà chắc chắn chủ cơ sở kinh doanh không có sẵn, và thông tin là đơn vị đang rất cần mặt hàng này với số lượng lớn. 

Sau đó, đối tượng giới thiệu cho chủ cơ sở kinh doanh 1 "doanh nghiệp ảo", và bảo rằng đây là đơn vị quân đội thường đặt hàng để nạn nhân liên hệ đặt hàng như chúng yêu cầu. Sau khi liên hệ, chủ cơ sở kinh doanh sẽ được "doanh nghiệp ảo" quảng bá về sản phẩm và dẫn dụ nhập hàng với số lượng lớn để được chiết khấu cao.

Do tin tưởng, không kiểm chứng thông tin nên một số chủ cơ sở kinh doanh đã chuyển tiền đặt cọc cho "doanh nghiệp ảo". Sau khi nhận tiền, các đối tượng liền khóa tài khoản, cắt liên lạc với nạn nhân và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum cảnh báo người dân, doanh nghiệp khi nhận được cuộc gọi từ người tự xưng quân nhân để trao đổi thông tin, đặt mua hàng hóa… cần xác minh kỹ trước khi giao dịch. 

Trường hợp thấy nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan quân sự, công an gần nhất để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.

Hải Vân (t/h)