Cáo buộc thao túng tiền tệ: Sự lựa chọn nào của Việt Nam?

Admin
Việc cáo buộc Việt Nam có mục đích giảm giá đồng tiền để tạo lợi thế cạnh tranh hay thực hiện hành vi thương mại không công bằng là hoàn toàn không phù hợp.

Ngày 16/12 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ công bố Báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô và tỷ giá hối đoái của các đối tác thương mại chính của Mỹ trong đó cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ theo Đạo luật tạo thuận lợi và thực thi thương mại 2015 (Đạo luật 2015). Cáo buộc đó sẽ tạo căn cứ để Tổng thống Mỹ đưa ra các biện pháp gây bất lợi cho Việt Nam nếu Việt Nam không có phản ứng hiệu quả.

Ba tiêu chí xác định “ngưỡng” cáo buộc

Để bị coi là thao túng tiền tệ, phải đáp ứng ba tiêu chí: Tiêu chí thứ nhất là quy mô thặng dư thương mại song phương có ý nghĩa với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD trong thời kỳ 12 tháng. Tiêu chí thứ hai là mức thặng dư tài khoản vãng lai vật chất với Mỹ lớn hơn 2% GDP trong thời kỳ 12 tháng. Tiêu chí thứ ba là sự can thiệp 1 chiều liên tục khi diễn ra việc mua ròng ngoại tệ lặp đi lặp lại ít nhất 6 trong 12 tháng với tổng ngoại tệ mua ròng ít nhất 2% GDP trong 12 tháng.

Dựa trên 3 tiêu chí, Bộ Tài chính Mỹ xác định liệu có tình trạng hành vi tiền tệ không công bằng hay sự mất cân bằng cân bằng đối ngoại quá mức làm tăng thêm gánh nặng tăng trưởng, việc làm công nhân và doanh nghiệp đang trên đà phát triển Mỹ hay không?

Báo cáo đã đưa ra số liệu làm bằng chứng Việt Nam “đáp ứng” đủ 3 tiêu chí. Cụ thể là tiêu chí 1, đến tháng 6/2020 đã thặng dư 58 tỷ USD, tiêu chí 2 là thặng dự tài khoản vãng lai 4,6% GDP và tiêu chí thứ 3 là lượng ngoại tệ mua vào 5,1% GDP (16,8 tỷ USD) trong 4 quý tương ứng.

Dựa theo tiêu chí được phân tích nâng cao này, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiến hành can dự vào quan hệ song phương với Việt Nam theo quy định của Đạo luật để nhanh chóng đưa ra kế hoạch hành động cụ thể về chính sách nhằm xử lý nguyên nhân cơ bản tình trạng Việt Nam định giá thấp đồng tiền.

Theo Đạo luật, việc biện pháp có được áp dụng hay không sẽ còn dựa trên việc tính toán và cân nhắc “thiệt hơn” sự tác động của chúng đối với lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, có thể thấy, nếu các biện pháp đó được áp dụng, chắc chắc sẽ tác động bất lợi đến doanh nghiệp và chính sách thương mại, tiền tệ của Việt Nam.

Mỹ có thể buộc Việt Nam nâng giá đồng Việt Nam gây giá hàng xuất khẩu tăng, làm giảm cầu hàng Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, thu hút đầu tư nước ngoài giảm do giá cả trong nước tăng, lợi thế lao động rẻ giảm sút, lòng tin của nhà đầu tư vào chính sách Việt Nam giảm. Các khoản nợ tính bằng đồng Việt Nam tăng lên, gây hạch toán khó khăn cho doanh nghiệp trong khi hàng nhập khẩu giá rẻ tràn ngập càng đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn.

Các công cụ mang tính đáp trả thương mại như: đánh thuế, áp dụng các biện pháp phi thuế hay hàng rào kỹ thuật… đều có thể xảy ra và sự bất lợi, mất lợi ích khó tránh khỏi.

Số liệu tính tiêu chí còn thiếu

Tiêu chí thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ chỉ mới tính đến hàng hóa chưa tính đến dịch vụ trong khi Hoa Kỳ xuất khẩu đáng kể dịch vụ sang Việt Nam. Điều này được Hoa Kỳ công nhận ngay trong báo cáo.

Thực tế, nhiều đối tác đã được đưa ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ nhờ tính thêm cả thương mại dịch vụ theo hướng giảm thiểu đáng kể thâm hụt của Hoa Kỳ. Tỷ trọng thương mại dịch vụ do Hoa Kỳ cung cấp tăng lên sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thặng dư từ phía Việt Nam. Hơn nữa, số liệu về GDP của Việt Nam cũng có sự thay đổi. Sau khi tính toán lại, GDP được Tổng cục Thống kê công bố tăng thêm trên 25% năm 2019 so với GDP hiện được áp dụng. Nếu áp dụng cách tính toán sử dụng GDP mới điều chỉnh, các tiêu chí có thể thay đổi đáng kể.

Những điều chỉnh kết quả tính toán của phía Việt Nam cho dù chỉ là điều chỉnh nhỏ nếu được phía Hoa Kỳ công nhận cũng làm yếu đi số liệu từ báo cáo Bộ Tài chính Hoa Kỳ và tăng thêm sự tự tin của Việt Nam.

Sự lựa chọn thích hợp

Rõ ràng, có nhiều điểm cần có sự tham vấn trực tiếp của cả hai bên để hiểu rõ hơn. Thành phần tham vấn nên có các nhà đầu tư Hoa Kỳ thành công ở Việt Nam cũng như các đối tượng hữu quan có lợi ích kinh tế đáng kể và lâu dài ở Việt Nam để tăng sự thiện cảm hay làm “mềm” đi sự căng thẳng không cần thiết trong quan hệ song phương.

Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển và đạt nhiều kết quả trong điều hành kinh tế, thực hiện thành công vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Điều này là chỗ dựa để làm tăng tính bền vững của quan hệ đối tác chiến lược hai nước. Chính sách tiền tệ Việt Nam nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, không có mục tiêu giảm giá đồng tiền để tạo lợi thế cạnh tranh. Thực tế, Việt Nam chưa bao giờ thực hiện hành vi này. Vì thế, nếu cáo buộc Việt Nam có mục đích giảm giá đồng tiền để tạo lợi thế cạnh tranh hay thực hiện hành vi thương mại không công bằng là hoàn toàn không phù hợp.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, do tác động của sự đứt gãy chuỗi cung ứng, tình trạng suy giảm việc làm ở Mỹ, với gói trợ cấp của Mỹ, nhu cầu về hàng hóa thiết yếu tăng lên. Chính sách đánh thuế nhập khẩu của Mỹ vào hàng hóa xuất khẩu của một số đối tác làm chuyển dịch nhu cầu từ hàng nhập khẩu nước bị đánh thuế sang hàng nước không bị đánh thuế, trong đó có Việt Nam.

Điều này làm cho nhu cầu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng lên hay “cầu tăng độ co giãn” khác với việc giảm giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu. Cùng hiện tượng xuất khẩu tăng nhưng khác nhau về nguyên nhân. Thực tế xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ tăng là do tăng nhu cầu hàng Việt Nam của người Mỹ gắn với căng thẳng hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ năm 2018. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều kinh nghiệm hơn trong tổ chức hệ thống chuỗi cung ứng, kết nối với thị trường Hoa Kỳ, quảng cáo sản phẩm gắn với hiểu rõ hơn nhu cầu khách hàng nên kết quả bán hàng tăng lên. Do đó, nếu cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ để tăng xuất khẩu là bằng chứng cho thấy đây là cáo buộc “oan” với Việt Nam.

Việt Nam cần tham vấn trực tiếp và cụ thể với phía Mỹ về cách thức tính toán, xác định các tiêu chí phù hợp với nội dung kinh tế và điều kiện thực tế Việt Nam thay vì chỉ tuân thủ tính chất pháp lý hình thức vốn là bản chất của văn hóa kinh doanh Hoa Kỳ.

Do đó, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở dữ liệu đủ độ tin cậy để rà soát lại tất cả tiêu chí khi tiến hành tham vấn trên nguyên tắc tôn trọng các số liệu về kinh tế Việt Nam đã được chuyên gia quốc tế tính toán nhất là về số liệu GDP điều chỉnh. Thậm chí có thể tính toán lại tiêu chí và công bố với phía Mỹ trước khi tham vấn theo hướng giảm một cách thuyết phục các kết quả này để tham vấn chuyển hướng đúng với thực chất. Bên cạnh đó, cần tính toán cụ thể chỉ tiêu tỷ giá hối đoái thực tế một cách rõ ràng và minh bạch để phù hợp với quy định của Đạo luật 2015.

Kết hợp nhiều tác động để tránh bị dán nhãn thao túng tiền tệ

Đây là tình huống phức tạp, chưa từng xảy ra cho nên Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Điều đó đòi hỏi kết hợp nhiều tác động để tạo kết quả tổng hợp.

Trước hết, cần chủ động, tích cực khai thác tác động ngoại giao dựa trên nền tảng vô cùng quy báu là khoảng thời gian 25 năm bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt- Mỹ. Coi trọng các động thái về ngoại giao văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ để tăng sự hiểu biết và mở rộng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Thực tế cho thấy, quan hệ này đã phát triển đúng hướng, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân 2 nước.

Việt Nam cần tính toán để mở rộng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư thương mại từ phía Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Viêt Nam gần 300 tỷ USD cho nên việc điều chỉnh thị trường nhập khẩu từ ngoài Mỹ sang nhập khẩu quy mô lớn hơn hàng hóa của Mỹ gồm: phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị công nghiệp cao cấp, nông sản…và dịch vụ.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang là nơi được nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang. Việt Nam là nơi mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho Hoa Kỳ về lâu dài. Doanh nghiệp Việt Nam cần liên doanh, liên kết, hợp tác với đối tác Hoa Kỳ để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ thông qua hệ thống thương nhân hay đối tác nhập khẩu, mạng lưới phân phối hàng hóa Hoa Kỳ.

Sự thắt chặt quan hệ và lợi ích đan xen nhau sẽ giảm thiểu các cáo buộc vì nếu áp dụng biện pháp xử lý cáo buộc có thể gây thiệt hai cho chính đối tác Hoa Kỳ nhiều hơn hay “gậy ông đập lưng ông”. Việc đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đối tác Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam kể cả mọi loại quy mô là cần thiết.

Điều chỉnh cơ cấu dự trữ quốc tế như ổn định hoặc giảm dự trữ bằng đồng USD và cần tăng dự trữ bằng các ngoại tệ khác như: đồng Euro, Nhân dân tệ, Yên Nhật Bản, SDR, vàng hoặc đồng tiền của các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam… nhằm tránh bị coi là can thiệp thị trường tiền tệ quá ngưỡng với đồng USD. Cơ cấu dự trữ quốc tế này có thể điều chỉnh linh hoạt khi cần cần thiết để đáp ứng yêu cầu dự trữ, ổn định tiền tệ, chống lạm phát, bảo đảm cần bằng kinh tế vĩ mô.

Cần có cơ chế cảnh báo thường xuyên và chủ động về các cáo buộc tiền tệ để tránh tình trạng thụ động trước tình huống bất ngờ. Cần xây dựng bộ phận theo dõi và cảnh báo sớm trước các cáo buộc về thao túng tiền tệ với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý chuyên ngành cùng với sự phối hợp quốc tế./.