Trương Nhất Minh sinh năm 1983, là một doanh nhân thành công từ Internet của Trung Quốc. Ông thành lập ByteDance vào năm 2012, phát triển công cụ tổng hợp tin tức Tiêu Đề và mạng xã hội video âm nhạc TikTok. Tính đến năm 2019, với hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng, ByteDance được định giá 75 tỷ USD, khiến nó trở thành startup có giá trị nhất thế giới.
Về quê ăn Tết, nghĩ ra ByteDance
Ông Trương Nhất Minh trưởng thành từ một gia đình công chức, làm công ăn lương đơn thuần ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Năm 2001, ông vào Đại học Nankai ở Thiên Tân, theo học chuyên ngành vi điện tử trước khi đổi sang ngành công nghệ phần mềm, và tốt nghiệp vào năm 2005. Ông cũng gặp được người bạn đời tại đây.
Vào tháng 2/2006, ông Trương trở thành nhân viên thứ năm và là kỹ sư đầu tiên tại trang web du lịch Cổ Huấn. Chỉ một năm sau, ghế giám đốc kỹ thuật nhanh chóng về tay ông. Làm việc tại đây thêm một năm, Trương Nhất Minh từ chức để chuyển sang làm cho Microsoft. Nhưng bản thân luôn cảm thấy ngột ngạt bởi các quy tắc của công ty, ông sớm rời Microsoft để tham gia vào công ty khởi nghiệp Phạn Phủ. Được một thời gian, công ty này phá sản.
Trương Nhất Minh, nhà sáng lập ByteDance. Ảnh: SCMP
Năm 2009, khi Cổ Huấn sắp được Expedia mua lại, ông Trương đã tiếp quản công việc tìm kiếm bất động sản của Cổ Huấn và tự thành lập trang 99fang.com (Cửu Cửu Bàng - tạm dịch: Nhà lầu 99 tầng). Đây là công ty đầu tiên ông tự chủ.
Năm 2011, Trương Nhất Minh nhận thấy sự chuyển đổi người dùng từ máy tính sang điện thoại thông minh. Lúc bấy giờ, ông thuê một người quản lý chuyên nghiệp để tiếp quản vị trí CEO của Cửu Cửu Bàng và rời công ty để bắt đầu khởi nghiệp lần nữa với ByteDance vào năm 2012.
Ông Trương nhận thấy rằng, người dùng điện thoại thông minh Trung Quốc đang vật lộn để tìm kiếm thông tin. Trong khi đó, gã khổng lồ tìm kiếm Yahoo thì trộn lẫn kết quả tìm kiếm với quảng cáo dễ gây nhầm lẫn cho người dùng.
Một lần khi bản thân ông muốn đặt vé tàu về quê ăn Tết nhưng lại không biết khi nào vé mở bán. Các công cụ tìm kiếm thì lại yêu cầu người dùng nhập thông tin mỗi lần để tìm những gì họ muốn. Thế mà Trương Nhất Minh chỉ cần dành một giờ trong lúc nghỉ trưa để viết một chương trình tìm kiếm có thể đưa ra thông báo ngay cho ông khi nào có vé.
Tiêu Đề trở thành công cụ tổng hợp thông tin cạnh tranh ngang ngửa Baidu. Ảnh: Shutterstock/REX
Từ đó, tầm nhìn của ông dành cho ByteDance là đẩy nội dung có liên quan đến người dùng bằng các khuyến nghị được tạo bởi trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, ý tưởng này không nhận được sự hoan nghênh bởi hầu hết các nhà đầu tư mạo hiểm và ông đã không đảm bảo được nguồn tài trợ cho đến khi Tập đoàn Quốc tế Susquehanna đồng ý đầu tư vào startup của ông.
Tỷ phú thầm lặng
Vào tháng 8/2012, ByteDance ra mắt ứng dụng tin tức Tiêu Đề. Trong vòng hai năm, Tiêu Đề đã thu hút hơn 13 triệu người dùng hàng ngày. Sequoia Capital, quỹ đầu tư từng từ chối lời đề nghị của ông Trương trong quá khứ, lập tức gật đầu. Quỹ này dẫn đầu khoản đầu tư 100 triệu USD vào công ty vào năm 2014.
Đến tháng 9/2016, ByteDance ra mắt mạng xã hội video âm nhạc Đẩu Âm. Sản phẩm đã thành công ngay lập tức với thế hệ trẻ. Năm sau, phiên bản quốc tế TikTok ra đời. Năm 2008, ByteDance đã mua Musical.ly với giá gần 1 tỷ USD và tích hợp nó vào TikTok.
TikTok giờ đây là sự lựa chọn hấp dẫn không kém Facebook trong social marketing. Ảnh: Netsale
Dần dà, ByteDance được nhiều người biết đến, nhưng Trương Nhất Minh hầu như hiếm khi cầm mic hô to “tôi là ông chủ ByteDance” trước đám đông. Những lần hiếm hoi xuất hiện trước ông chúng, ông đều tự gắn mác cho bản thân là một kỹ sư máy tính đơn thuần.
Tính đến cuối năm 2018, với hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động của mình, ByteDance vượt qua Uber để trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới. Sau vòng huy động vốn mới nhất, ByteDance hiện được định giá hơn 100 tỷ USD. Trong năm 2019, công ty này đạt lợi nhuận ròng tới 3 tỷ USD, gấp đôi con số năm 2018.
Theo thống kê của Forbes, Trương Nhất Minh đang có tài sản ròng lên đến 16,2 tỷ USD. Chỉ sau hai năm, ông chủ TikTok đã gán được phép nhân bốn cho tài sản cá nhân của mình. Ông hiện là tỷ phú giàu có thứ 10 ở Trung Quốc và thứ 61 trên thế giới.
Lượt tải ứng dụng TikTok vượt hẳn YouTube, Snapchat, Instagram trong 4 tháng đầu năm nay. Đồ hoạ: Bloomberg
Tạp chí Forbes cũng từng nêu tên ông trong danh sách Under 30 của Trung Quốc vào năm 2012, khi ấy ông 29 tuổi. Còn tạp chí Fortune thì ghi tên ông vào Under 40 vào năm 2018 ở độ tuổi 35.
Hiện tại, TikTok là một hiện tượng văn hóa toàn cầu và là ứng dụng không phải trong lĩnh vực game được tải nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau WhatsApp và Facebook Messenger. Trong giai đoạn dịch COVID-19, TikTok chính thức trở thành ứng dụng được cài nhiều nhất hành tinh với 2 tỷ lượt tải.
TikTok không coi người dùng là tài sản vô hồn
Theo trang tin Sina, cha đẻ TikTok đã chinh phục thế giới mà không có lấy một sự hậu thuẫn nào từ các “ông lớn” công nghệ. Trương Nhất Minh tự thân làm tất cả để đưa TikTok có được vị thế hôm nay.
“Nhiều người chỉ làm những việc trong lĩnh vực quen thuộc của họ. Tôi thì không bao giờ đặt ra đâu là ranh giới cho mình”, ông Trương chia sẻ với Sina. Mỗi khi công ty gặp các vấn đề rắc rối, người đàn ông 37 tuổi này thường thảo luận với cộng sự cho đến khi tìm ra được giải pháp mới thôi.
Tuy nhiên, ông không phải là một “cổ máy” chỉ biết cắm đầu vào công việc. Trương Nhất Minh từng nhắn nhủ: “Giống robot không phải là một điều tốt. Chúng ta nên dành thời gian ở bên những người khiến cho mình hạnh phúc. Không ai muốn buồn mỗi ngày cả!”.
Trương Nhất Minh sống tình cảm, ít khi xuất hiện trước công chúng. Ảnh: Forbes
Lối sống trọng tình cảm cũng được ông áp dụng trong thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” hiện tại của TikTok. Dưới sức ép của chính quyền Tổng thống Donald Trump, ByteDance buộc phải thoái vốn và bán TikTok cho công ty Mỹ nếu muốn tồn tại.
Trong bức tâm thư gửi toàn bộ nhân viên của mình, Trương Nhất Minh khẳng định: “ByteDance là một công ty toàn cầu đáng tin cậy và điều đó sẽ không bao giờ thay đổi. Trong thời buổi mọi thứ diễn ra phức tạp, chúng ta càng phải nỗ lực hơn. Đây là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa”.
Trong lúc tìm kiếm một giải pháp phù hợp, ông Trương và đội ngũ quan tâm đến ba khía cạnh quan trọng: người dùng, nhân viên và công ty. Ông khẳng định: “TikTok không đơn thuần là sản phẩm công nghệ của ByteDacne. Đây là cộng đồng người dùng toàn cầu, vì vậy, Ban giám đốc không coi đó là tài sản vô hồn”.
Cuối thư, ông Trương kêu gọi nhân viên đoàn kết, lạc quan và kiên cường. Ông cũng không quên cảm ơn những đóng góp và cống hiến của toàn thể đội ngũ, bao gồm cả nhân viên ở các văn phòng ngoại quốc. "Có một đội ngũ xuất sắc như vậy chính là động lực quan trọng với tôi”, ông Trương nhắn nhủ.
Trương Nhất Minh, theo ngạn ngữ Trung Quốc, có nghĩa là “làm mọi người ngạc nhiên ngay từ đầu”. Những người ủng hộ TikTok hy vọng, những gì mạng xã hội này “làm mọi người ngạc nhiên ngay từ đầu” vẫn sẽ đứng vững, chẳng chuyển rời cùng Trương Nhất Minh.