Chán đi công trình và đòi nợ, đại gia ngành tôn lên núi ở ẩn, điều hành doanh nghiệp nghìn tỷ

Admin
“Chủ tịch hai mấy năm nay đi công trình, đi đòi nợ... cũng phải cho chủ tịch nghỉ chứ, nếu không thì chết sao”, ông Lê Phước Vũ mang nặng tâm tư khi đối thoại với các cổ đông.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố kết quả kinh doanh dự kiến hợp nhất tháng 6 với lợi nhuận tiếp tục ở mức cao. Trong tháng 6, Tập đoàn Hoa Sen đạt doanh thu 2.121 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 105 tỷ. Tính chung cả quý vừa qua, Hoa Sen báo lãi ròng 307 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu giảm nhẹ 6%.

Lũy kế 9 tháng của niên độ tài chính 2019-2020 (Hoa Sen áp dụng năm tài chính bắt đầu từ 1/10 đến 30/9 năm sau), tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ đã thu về 690 tỷ đồng lợi nhuận. So với cùng kỳ của niên độ liền trước, con số này tăng gần 150%.

Để Tôn Hoa Sen có được cơ đồ như ngày hôm nay không thể không nhắc đến ông Lê Phước Vũ – một Phật tử và cũng là “ông vua ngành tôn”.

Tay trắng làm nên cơ đồ

Ông Lê Phước Vũ sinh năm 1963 tại Bình Định, một trong những vùng đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra rất nhiều doanh nhân đại tài của nước ta. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông Vũ tiếp tục học Trung cấp ngành vận tải ô tô và sau đó vào miền Nam lập nghiệp, bằng nghề làm ở đội xe khoán, rồi lái xe con…

Tài chính - Ngân hàng - Chán đi công trình và đòi nợ, đại gia ngành tôn lên núi ở ẩn, điều hành doanh nghiệp nghìn tỷ

Trước khi trở thành "ông vua ngành tôn", ông Lê Phước Vũ chỉ là anh lái xe.

Trong công cuộc mưu sinh, ông Vũ phiêu bạt từ Tây Ninh đến Sài Gòn, rồi lên Buôn Ma Thuột. Tại Sài Gòn, ông được nhận làm quản đốc phân xưởng gỗ, sau đó lại về làm quản lý cho cửa hàng vật liệu xây dựng.

Sinh ra tại mảnh đất Bình Định, với óc quan sát nhạy bén, ông Vũ sớm nhận thấy sản phẩm tôn lợp rất phù hợp với nhu cầu dựng nhà của người dân và cũng hợp với điều kiện kinh tế, thiên nhiên.

Tháng 4/1994 có thể xem là ngã rẽ quyết định tới sự nghiệp của ông Lê Phước Vũ khi vợ chồng ông quyết định mở cửa hàng cắt tôn. Khi ấy, chủ nhà yêu cầu đặt cọc 5 triệu tiền thuê mặt bằng nhưng lục cả nhà cả cửa, vợ chồng ông chỉ có 2 chỉ vàng và 200 ngàn đồng (tương đương 1,2 triệu đồng). Quyết không bỏ cuộc, ông chạy vạy khắp nơi mượn được người quen đủ tiền với cam kết sẽ cắt tôn trừ nợ dần sau này.

Đến giờ, ông Vũ vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên cầm 650.000 đồng tiền lãi của cửa hàng trong tay, mừng đến rơi nước mắt. Để có được những đồng lãi đó, ông đã phải lao động cật lực từ việc bán hàng, thu tiền, cắt tôn, khiêng tôn vì không có tiền thuê thêm người phụ.

Đây cũng chính là điểm khởi đầu nghiệp kinh doanh của vị đại gia có tên Lê Phước Vũ.

Năm 2001, sau 7 năm lăn lộn thương trường, ông cũng tích cóp được số vốn kha khá và thành lập Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 22 nhân viên, sản xuất các sản phẩm tấm lợp kim loại, tôn mạ màu, tôn mạ kẽm và các loại vật liệu xây dựng khác.

Với phương châm làm ăn “mua tận gốc, bán tận ngọn” ông Vũ đã cất công xây dựng một hệ thống phân phối để bán trực tiếp tới người dùng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới làm suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 và giá thép cán nóng sụt khủng khiếp từ gần 1.100 USD/tấn xuống dưới 500 USD/tấn, chính chiến lược này đã giúp Hoa Sen không gục ngã như nhiều “ông lớn” khác trong ngành tôn thép.

Chính nhờ đó, sau cơn suy thoái, khi nhiều doanh nghiệp còn gượng gạo đứng dậy thì ông đã đủ điều kiện đầu tư dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ với công suất lớn gấp 3 lần tổng công suất hiện có của Hoa Sen vào thời điểm đó.

Dự án được xây dựng nhanh kỷ lục chỉ trong 10 tháng, từ tháng 5/2009 đến tháng 3/2010 đã hoàn thành dây chuyền đầu tiên. Năm 2014, Tôn Hoa Sen trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôn - thép hàng đầu Đông Nam Á với doanh thu xấp xỉ 300 triệu USD.

Quy y cửa Phật và lên núi ở ẩn

Nói đến các đại gia Việt, ông Lê Phước Vũ và “vua cà phê” Trung Nguyên – Đặng Lê Nguyên Vũ, không chỉ giống nhau về tên mà còn cùng chí hướng khi từ bỏ cuộc sống giàu sang để quy y cửa Phật và lên núi ở ẩn.

Nếu như ông Đặng Lê Nguyên Vũ mãi sau này mới tìm tới Phật pháp thì ông Lê Phước Vũ lại được xem là có duyên với đạo Phật từ ngày ấu thơ. Như ông chủ hãng Tôn Hoa Sen từng kể thì thuở nhỏ hay lên chùa nhưng khi đó ông chưa có đức tin. Tuy nhiên, nhiều biến cố sau này đã làm ông bước vào con đường Phật pháp.

Tài chính - Ngân hàng - Chán đi công trình và đòi nợ, đại gia ngành tôn lên núi ở ẩn, điều hành doanh nghiệp nghìn tỷ (Hình 2).

Ông Lê Phước Vũ đã trở thành Phật tử

Trước đây, ông Vũ không tin chuyện bói toán nhưng vợ ông lại rất tin. Khi ông Vũ 28 tuổi, hai vợ chồng đến coi bói tại nhà một thầy bói mù, thầy bói nói rằng: "Năm 28 tuổi cậu không được đi đâu nếu không sẽ không còn gì". Không nghe theo, ông Vũ vẫn quyết ra đi làm ăn và chưa đầy một năm sau thì hai vợ chồng ông gần như trắng tay.

Sau đó, ông chuyển về sống tại Sài Gòn. Gia cảnh cơ cực buộc ông Vũ phải đi làm lái xe cho một công ty tại Gò Vấp. Một lần ông lại cùng vợ đi xem bói, bà thầy bói "phán" chính xác về gia cảnh ông khiến ông Vũ rất ngạc nhiên. Sau này ông bắt đầu quan tâm đến Phật pháp.

Một lần, ông Vũ tình cờ gặp một người ăn xin. Người này nói rằng: "Trong vòng 3 năm nữa, cậu nam (ông Vũ – PV) sẽ có một số vốn nước ngoài để làm ăn". Khi ấy ông Vũ không tin vì khi gia cảnh đang nghèo khó, gia đình lại không có ai đi nước ngoài.

Ngạc nhiên là đúng ba năm sau (năm 1994) , "lời tiên tri" thành hiện thực khi ông Vũ đã tận dụng được vốn từ công ty liên doanh tôn NippoVina. Ông Vũ bắt đầu gặt hái những thành công từ hoạt động kinh doanh tôn và ông cũng tin hơn vào những điều nhiệm màu.

Tại đại hội cổ đông Tập đoàn Hoa Sen ngày 14/1/2019, ông Lê Phước Vũ cho biết đang sống trên núi, nơi có cảnh sắc thần tiên. Mỗi tháng ông chỉ ghé qua Tập đoàn Hoa Sen 2 lần, mỗi lần 2 tiếng.

Tài chính - Ngân hàng - Chán đi công trình và đòi nợ, đại gia ngành tôn lên núi ở ẩn, điều hành doanh nghiệp nghìn tỷ (Hình 3).

Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen bày tỏ: "Mình sống thanh tịnh, cái trí mình sáng, cái lòng mình vui"

Gần như rời xa thế tục nhưng cơ nghiệp của ông Phước Vũ vẫn rất vững chắc. Bằng chứng là tại đại hội cổ đông mới đây, vị đại gia ngành tôn đã nhấn mạnh rằng: “Hoa Sen không còn lệ thuộc vào Lê Phước Vũ” đồng thời khẳng định tập đoàn này sẽ lãi trở lại, cổ phiếu có thể hồi phục gần gấp đôi trong năm 2020.

Cơ sở để Chủ tịch Hoa Sen thảnh thơi, an nhàn với cuộc sống tự tại theo chia sẻ của ông là vì tính đến hiện tại Hoa Sen đã có một ban lãnh đạo đã có sự va chạm, sự mài giũa, đạt độ chín nhất định và trung thành với Tập đoàn. Chính điều này khiến Chủ tịch Lê Phước Vũ yên tâm.

“Chủ tịch hai mấy năm nay đi công trình, đi đòi nợ... cũng phải cho chủ tịch nghỉ chứ, nếu không thì chết sao”, ông Vũ nói. Lên núi sống, người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen bày tỏ: "Mình sống thanh tịnh, cái trí mình sáng, cái lòng mình vui".

Ông Vũ cho biết, hiện tại bản thân ở trên núi, nếu ai có muốn gặp ông thì lên núi để gặp, dưới Đà Lạt ngay chân đèo Bảo Lộc. Dù ở khá xa về mặt địa lý nhưng Chủ tịch Tôn Hoa Sen cho biết bản thân ông vẫn nắm hết công việc.

Sơn Ca (Tổng hợp)