Bạch kim (platinum) đang thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư, trong bối cảnh năng lượng sạch trở thành xu hướng trên thế giới và nhu cầu nắm giữ vàng giảm sút mạnh gần đây, tờ Wall Street Journal cho hay.
Phiên ngày thứ Sáu (27/11), giá bạch kim chốt phiên với mức giảm 0,5%, còn 964,8 USD/oz. Tuy vậy, tính từ đầu tháng, giá bạch kim đã tăng 14%.
Nhà phân tích kim loại quý Kirill Kirilenko thuộc CRU Group nói rằng việc ông Joe Biden - người được dự báo đắc cử Tổng thống Mỹ - hứa chi chi 2 nghìn tỷ USD để phát triển năng lượng sạch là nhân tố quan trọng đẩy giá bạch kim tăng trong những tuần gần đây. Ông Kirilenko nhấn mạnh bạch kim - vừa là vật liệu sử dụng trong công nghiệp, vừa là một tài sản đầu tư - sẽ hưởng lợi từ xu hướng toàn cầu chuyển sang những nguồn năng lượng có thể tái chế.
Trái với sự "lên ngôi" của bạch kim, vàng đã mất giá liên tục trong tháng 11 này, khi triển vọng khả quan của vaccine ngừa Covid-19 giúp cải thiện triển vọng kinh tế toàn cầu và gây suy giảm nhu cầu đối với các tài sản an toàn. Tuần trước, giá vàng giảm 4,8%, về mức 1.871,9 USD/oz, mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 1/7.
Đợt bán tháo này của vàng là một lý do nữa để các nhà đầu tư tìm đến với những kim loại quý khác như bạch kim, đặt cược rằng những kim loại này vẫn còn dư địa để tăng giá.
"Có một câu chuyện tăng trưởng dài hạn gắn liền với bạch kim. Hiện tại, câu chuyện đó mới đang ở giai đoạn đầu", nhà quản lý quỹ Steven Dunn thuộc Aberdeen Standard Investments phát biểu. "Với vàng, chúng tôi cảm thấy đã vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng giá".
Cách đây chưa đầy 10 năm, bạch kim là một trong những kim loại quý đắt nhất. Kim loại này được dùng để lọc bỏ những chất thải độc hại khỏi ống xả ô tô. Khi giá bạch kim tăng cao, nhiều hãng xe đã chuyển sang dùng những kim loại có giá rẻ hơn như palladium.
Nhu cầu bạch kim của các nhà sản xuất ô tô giảm xuống dẫn tới tình trạng thừa mứa bạch kim trong những năm gần đây. Sau mấy năm sụt giảm liên tiếp, giá bạch kim gần như đi ngang từ năm 2015 đến nay.
Diễn biến giá bạch kim từ đầu năm tới nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ tương quan cung cầu của bạch kim, và tình trạng thiếu hụt bạch kim trong năm nay được dự báo sẽ tới mức kỷ lục.
Trong khi nhu cầu bạch kim của ngành công nghiệp ô tô và chế tác nữ trang giảm sút, cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đã thúc đẩy giới đầu tư rót tiền vào các kênh đầu tư an toàn như kim loại quý. Gần đây, dù bán ròng vàng, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục mua vào bạch kim. Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cho thấy trong tuần trước, trạng thái bạch kim tương lai của các nhà đầu tư ở Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng gần 1 năm.
Trong khi đó, nguồn cung bạch kim - chủ yếu đến từ các công ty khai mỏ ở Nam Phi - đã suy giảm mạnh trong năm nay do các biện pháp phong tỏa để chống dịch.
Hội đồng Đầu tư bạch kim Thế giới, một hiệp hội ngành, vào tuần trước dự báo rằng nhu cầu bạch kim của thế giới trong năm nay sẽ vượt nguồn cung 1,2 triệu oz, một mức thiếu hụt lớn chưa từng thấy. Mỗi năm, thế giới sử dụng khoảng 7-8 triệu oz bạch kim.
Bên cạnh nhu cầu phòng ngừa rủi ro, nhà đầu tư còn nhìn vào vai trò của bạch kim trong xu hướng năng lượng sạch toàn cầu. Công nghệ năng lượng hydro tái sinh giúp tạo ra khí tốt từ nước và tích trữ năng lượng đó trong các tế bào năng lượng (fuel cell) để cung cấp cho hộ gia đình và xe cộ. Trong công nghệ này, bạch kim giữ một vai trò then chốt, cả ở giai đoạn điện phân - quy trình tách hydro từ nước - và trong các tế bào nhiên liệu dùng để tích trữ hydro.
Năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết đưa năng lượng hydro trở thành một phần quan trọng trong Thỏa thuận xanh châu Âu - thỏa thuận nhằm đưa khu vực này tới trạng thái trung tính carbon (có lượng phát thải ròng carbon bằng 0) vào năm 2050. Trung Quốc cũng đặt ra mục tiêu tương tự cho năm 2060 và được kỳ vọng sẽ đầu tư mạnh vào năng lượng hydro.
Triển vọng nhu cầu bạch kim khởi sắc do công nghệ năng lượng hydro, cộng thêm nguồn cung bạch kim thắt chặt, giúp mang đến triển vọng tươi sáng nhất trong nhiều năm trở lại đây cho giá bạch kim - theo ông Trevor Raymond, trưởng bộ phận nghiên cứu của Hội đồng Đầu tư bạch kim Thế giới.
"Trong suốt nhiều năm qua, chưa khi nào chúng ta có một câu chuyện tăng trưởng nhu cầu bạch kim ở quy mô lớn như thế này", ông Raymod nói.
Khối lượng bạch kim sử dụng cho công nghệ năng lượng hydro có thể sẽ rất lớn. Một xe ô tô sử dụng tê bào nhiên liệu hydro sẽ đòi hỏi lượng bạch kim lớn gấp 4 lần lượng bạch kim dùng trong một chiếc ô tô chạy dầu diesel, ông Kirilenko cho hay. Ô tô chạy xăng, dầu có thể dùng palladium hoặc bạch kim, nhưng xe chạy năng lượng hydro chỉ có thể dùng bạch kim.