Châu Âu vẫn kiểm soát chặt thanh long, mỳ tôm từ Việt Nam

Admin
Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là thanh long và mì tôm vẫn nằm trong phụ lục II, với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu 20%.

Quy định (EU) 2023/174, ban hành ngày 26/1/2023, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.

Theo đó, đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, những loại rau gia vị vốn bị kiểm soát ở mức 50% tại lần thông báo trước như rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát.

Hiện tại, ớt là sản phẩm duy nhất còn lại trong danh mục kiểm soát tại cửa khẩu của EU, với tần suất kiểm tra là 50%.

Nhiều loại rau gia vị được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát an toàn thực phẩm nhưng đậu bắp sản xuất tại Việt Nam đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II, với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật do phía Việt Nam cấp.

Tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật đối với đậu bắp tại cửa khẩu EU được quy định là 50%.

Các nhà xuất khẩu rau gia vị Việt hưởng lợi từ quyết định mới của EU.

Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam sang EU, là thanh long và mì tôm, vẫn nằm trong phụ lục II, với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%.

Định kỳ 6 tháng một lần, Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu họp để xem xét, đánh giá mức độ vi phạm về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của các quốc gia xuất khẩu vào EU. Sau đó, EU sẽ thông báo những thay đổi trong quy định về các biện pháp kiểm soát.

Ở lần công bố gần nhất vào 13/6/2022, EU đã đưa các sản phẩm của Việt Nam như bún, miến, phở khỏi danh mục quy định yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo phụ lục II.

Những quy định mới, theo thông lệ của EU, sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng.

Là cơ quan đầu mối tại Việt Nam về việc thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị các cơ quan, đơn vị rà soát, kiểm tra nhằm đáp ứng đúng những yêu cầu của EU.

Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các bên, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tiến tới đề nghị EU xem xét giảm nhẹ hoặc gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.