Tại Hội nghị xây dựng trung tâm tài chính Việt Nam vừa diễn ra tại TP. HCM, ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cùng nhiều đại biểu đại diện cho các tổ chức tài chính quốc tế đều cho rằng để phát triển trung tâm tài chính thành công, các địa phương của Việt Nam là TP. HCM và Đà Nẵng cần tập trung vào 3 yếu tố quan trọng là chính sách, nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Chính sách, nhân lực, cơ sở hạ tầng - yếu tố cốt lõi phát triển trung tâm tài chính thành công. Ảnh mô hình trung tâm tài chính, nguồn internet.
Đối với TP. HCM, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết Thành phố cũng đang tập trung vào 3 yếu tố này để xây dựng trung tâm tài chính.
Về chính sách, TP. HCM tích cực tham gia vào quá trình này thông qua việc đóng góp ý kiến chuyên gia, tổ chức hội thảo và tham gia các đoàn công tác của Chính phủ nhằm xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương.
Thành phố cũng đang theo sát các dự thảo do Bộ Tài chính đề xuất. Những phiên bản mới nhất liên tục được điều chỉnh, phản ánh sự phát triển của thị trường cũng như xu hướng tài chính toàn cầu, đặc biệt là tiền kỹ thuật số, tài sản mã hóa và blockchain.
Ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital góp ý, chúng ta nên xây dựng một hệ thống pháp luật bảo đảm tương đồng với hệ thống pháp luật ở các trung tâm tài chính khác đang vận hành. Đặc biệt, trong đó có vấn đề trọng tài kinh tế để phân xử tất cả các hoạt động liên quan của trung tâm tài chính.
Các chuyên gia đóng góp ý kiến về xây dựng TTTC Việt Nam. Ảnh VGP/Lê Anh.
Về nhân lực, để thu hút nhân tài, các chuyên gia cho rằng, TP. HCM không chỉ cần chính sách đãi ngộ tốt mà còn phải nghiên cứu, tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn.
Ông Arnaud Ginolin, Giám đốc điều hành và Thành viên hợp danh, Boston Consulting Group cho hay, vấn đề nguồn nhân lực cho trung tâm tài chính quốc tế cũng cần được chú trọng. Bên cạnh việc đào tạo nhân sự tại chỗ, cũng cần có các chính sách huy động nhân sự chất lượng cao về làm việc.
Theo bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI, có 2 điểm để thu hút được nhân tài về Việt Nam là visa lao động cho người nước ngoài. Thứ hai là chấp nhận tất cả bằng cấp ở nước ngoài tương ứng với các giấy phép và bằng cấp tại Việt Nam.
Về hạ tầng, ông Trương Minh Huy Vũ thông tin, TP. HCM đã chuẩn bị từ lâu, gồm quỹ đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm và một phần Quận 1. Hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống kết nối, bao gồm đường truyền dữ liệu tốc độ cao, trung tâm dữ liệu hiện đại. Cùng với đó, việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng số, hạ tầng xanh và hệ thống dịch vụ chất lượng cao sẽ là chìa khóa thu hút dòng vốn vào trung tâm tài chính.
Chính sách, nhân lực, cơ sở hạ tầng - yếu tố cốt lõi phát triển trung tâm tài chính thành công. Ảnh mô hình trung tâm tài chính, nguồn internet.
"Bên cạnh đó, phát triển trung tâm tài chính TP. HCM thì fintech (công nghệ tài chính) cũng là một lĩnh vực tiềm năng, với nhiều dự thảo nghị định về blockchain, tài sản mã hóa và công nghệ tài chính đang được xem xét", ông Vũ cho biết.
Các chuyên gia cũng đề xuất tập trung vào các thế mạnh của Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng, như chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các fintech, tạo sự khác biệt với các trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế khác trong khu vực. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam có lợi thế vượt trội, khi đã có gần 300 fintech đang hoạt động, tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Về vấn đề fintech trong TTTC, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết, có hai loại fintech. Thứ nhất, fintech thời gian qua phối hợp rất tốt với các ngân hàng thương mại làm eKYC (xác thực khách hàng điện tử), trong đó có fintech đã trở thành "kỳ lân"; thứ hai là fintech phát triển trên diện rộng với hàng chục triệu khách hàng như Ứng dụng tài chính MoMo. Theo đó, cần có khung pháp lý cho họ hoạt động chứ không phải fintech chỉ đơn giản là tài sản số.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc xây dựng TTTC không phải là nội dung mới trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ.
PV/chinhphu.vn (t/h)