Sau giai đoạn lao dốc vì những thông tin tiêu cực trong và ngoài nước, các chỉ số chứng khoán của Việt Nam đang ghi nhận đà hồi phục khá tốt, giúp tài khoản nhà đầu tư tăng trở lại trong các ngày cuối tuần.
VN-Index mở cửa phiên 14/10 tiếp tục ghi nhận tâm lý phấn khởi cùng với sự hỗ trợ từ đà hồi phục ấn tượng của chứng khoán Mỹ. Chỉ số bật tăng ngay khi mở cửa nhưng có dần có dấu hiệu thu hẹp khi về cuối ngày.
Chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên tăng 10,86 điểm (1,03%) lên mức 1.061,85 điểm. Đây đã là phiên tăng thứ 3 liên tiếp với tổng mức hồi phục 55,65 điểm (+5,53%).
Đà hồi phục cũng ghi nhận trên sàn niêm yết HNX khi chỉ số đại diện tăng tiếp 3,15 điểm (1,4%) lên 227,89 điểm. UPCoM-Index tăng 1,51% đạt 80,16 điểm.
Diễn biến VN-Index trong phiên cuối tuần. Đồ thị: TradingView. |
Dù vậy, đà tăng không phân bổ quá đều mà có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu. Trong đó, rổ VN30 dù tăng hơn 10 điểm với 20/30 mã trong sắc xanh nhưng vẫn có một số cổ phiếu lớn giảm khá mạnh.
Đóng góp lớn nhất cho phiên đi lên cuối tuần là VCB của Vietcombank với mức tăng 2,4% đạt 68.100 đồng. Ngoài ra còn có sự bứt phá của một số mã ngân hàng khác như BID, ACB, SHB, MBB, VIB...
Cổ phiếu bán lẻ cũng tạo tác động tốt với mã dẫn đầu là MWG của Thế Giới Di Động đi lên 4% ở mức 59.900 đồng. Thậm chí các mã FRT, PET, DGW còn tăng hết biên độ trong sắc tím khi các đợt mở bán iPhone vừa tiến hành.
Sắc xanh cũng trở lại nhiều hơn ở các nhóm ngành khác như hóa chất, chăn nuôi, hàng không, bất động sản, phân bón, thủy sản, dệt may, năng lượng... hay thậm chí là nhiều cổ phiếu đầu cơ còn tăng trần.
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất ngày 14/10. Nguồn: FireAnt. |
Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu Vingroup tiếp tục gây tác động tiêu cực lên chỉ số. Trong đó VHM của Vinhomes giảm 1,7% còn 51.900 đồng, VIC của Vingroup giảm 1,2% xuống 59.700 đồng hay VRE của Vincom mất 1,6% giá trị về 25.200 đồng.
Một số cổ phiếu lớn khác cũng chìm trong sắc đỏ đáng kể như mã nóng EIB của Eximbank đi ngược nhóm ngân hàng giảm 2,4% còn 36.900 đồng. SAB của Sabeco hay HPG của Hòa Phát cũng mất giá trong phiên.
Nhà đầu tư đã đổ tiền vào thị trường khá chủ động với thanh khoản gia tăng với tổng giá trị giao giao dịch đạt 16.122 tỷ đồng. Trong đó giao dịch trên sàn HoSE chiếm 14.484 tỷ đồng (tăng hơn 63% so với mức rất thấp hôm qua),
Xu thế mua chủ động với gần 7.762 tỷ đồng mua khớp lệnh trên sàn HoSE ở các mã tăng giá. Giao dịch lớn nhất phải kể đến các mã tầm trung như GEX, SHB, HSG, HAG, MBB, POW, LPB đều khớp trên 10 triệu đơn vị.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia tích cực vào xu hướng đẩy giá khi thực hiện mua ròng thêm 214 tỷ đồng tại HoSE, đây đã là phiên mua ròng thứ 6 liên tiếp với tổng giá trị gần 2.900 tỷ đồng.