Chứng khoán tăng trưởng cao gấp nhiều lần nền kinh tế thực có thực sự đáng ngại?

Kỳ Văn
Hiện tượng thị trường chứng khoán bùng nổ, tăng trưởng cao hơn gấp nhiều lần, thậm chí đi ngược tăng trưởng kinh tế đang xảy ra ở nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới. Có những ý kiến tỏ ra e ngại, nhưng cũng có chuyên gia cho rằng đó chưa hẳn đã là điều tiêu cực đối với nền kinh tế.

photo1623889564338-162388956450644022868-1623902944.jpg

Quý I/2021, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,48% (theo Tổng cục Thống kê), trong khi Vn Index tăng tới 60,3% so với cùng kỳ (theo Tradingeconomics), cao gấp nhiều lần tăng trưởng kinh tế.

Chứng khoán tăng trưởng cao gấp nhiều lần nền kinh tế thực có thực sự đáng ngại? - Ảnh 1.

Dữ liệu tăng trưởng kinh tế: OECD - Dữ liệu TTCK: Tradingeconomics

Trong 5 tháng đầu năm 2021, trên cả nước xuất hiện 480.490 tài khoản chứng khoán mới, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nước có tất cả hơn 3,25 triệu tài khoản chứng khoán.

Đột biến này, cùng với sự tăng giá của các loại tài sản khác, không tránh khỏi sẽ làm nảy sinh ra nhiều lo ngại về nguy cơ "bong bóng". Song, không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng kiến thị trường chứng khoán tăng trưởng cao gấp nhiều lần, thậm chí ngược chiều nền kinh tế thực.

Kinh tế Trung Quốc quý I/2021 tăng trưởng tới 18,3% so với quý I/2020 và đồng thời, thị trường chứng khoán của họ cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Có thời điểm, thị trường chứng khoán Trung quốc lên cao nhất 13 năm với vốn hóa đạt 11 nghìn tỷ USD và chỉ số CSI 300 tăng lên trên 5.700 điểm. Kết thúc quý I/2021 chỉ số CSI300 tăng 65,1% so với quý I/2020, gấp 3,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Chỉ số Sanghai cũng tăng trưởng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Kinh tế Mỹ quý I, dù chỉ tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ một loạt các chính sách bơm tiền ra nền kinh tế. Chỉ số DJ của Mỹ tăng trưởng 39,14% so với cùng kỳ, chỉ số SP500 tăng trưởng 57,42% so với cùng kỳ

Cũng trong quý I/2021, tuy rằng kinh tế Nhật Bản giảm 1,8% so với cùng kỳ, song thị trường chứng khoán liên tục thiết lập những kỷ lục mới, chỉ số Nikkei 225 Nhật Bản lập đỉnh 30 năm vượt mốc 29.000 điểm lần đầu tiên kể từ năm 1990. Tăng trưởng quý I/2020 so với quý I/2020 là 60,15%. P/E dự phòng của Topix cho thị trường Nhật Bản hiện là 18 trong khi mức trung bình 5 năm là 14.

Nền kinh tế Anh tăng trưởng -6,1% trong quý I năm nay, sau khi trải qua 2 lần lock-down vì Covid-19. Tuy không tăng trưởng bùng nổ như thị trường chứng khoán châu Á hay Mỹ, nhưng thị trường chứng khoán Anh cũng đã dần hồi phục trở về trước thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra, Chỉ số GB100 của Anh đã tăng trưởng 37,7% so với thời điểm cuối quý I/2020.

Không chỉ riêng với Việt Nam, mà đang là tình hình chung trên thế giới, vậy chứng khoán tăng trưởng cao gấp nhiều lần nền kinh tế thực có thực sự đáng ngại?

Ông Joseph V. Amato, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư của Neuberger Berman đánh giá, thị trường chứng khoán không hẳn lúc nào cũng phải tăng trưởng sát với nền kinh tế. Thị trường chứng khoán là nơi mà kỳ vọng dựa trên những dấu hiệu và các chính sách chính là chìa khóa tăng trưởng. Song, để phát triển bền vững, thì thị trường chứng khoán và nền kinh tế nên có sự kết nối với nhau.

Với những kỳ vọng về hiệu quả triển khai vaccine Covid-19 trong thời gian tới, các nhà đầu tư trên toàn thế giới hoàn toàn có cơ sở hợp lý để kỳ vọng rằng, nền kinh tế và nhiều ngành thiệt hại bởi Covid-19 sẽ tăng trưởng cao trở lại. Do đó, cũng là dễ hiểu khi giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có thể sẽ biến động trước kỳ vọng của nhà đầu tư.

Masashi Samizo, nhà phân tích thị trường cấp cao của SMBC Trust Bank Ltd. ở Tokyo đánh giá về tác động của chiến dịch tiêm chủng tại Nhật đến thị trường chứng khoán khi trao đổi với Japan Times: “Nhìn sang châu Âu, kỳ vọng vào chứng khoán đang tăng cao, khi tỷ lệ tiêm chủng đạt khoảng 20% ​​đến 30%. Thị trường Nhật Bản tuy tăng chậm hơn, nhưng xu hướng này rõ ràng đang tăng tốc”.

Naoki Fujiwara, Giám đốc quỹ đầu tư Shinkin Asset Management ở Tokyo kỳ vọng: "Nếu việc tiêm chủng tại Nhật mở rộng trong tháng tới hoặc lâu hơn, chứng khoán Nhật Bản có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại".

Ông Jeff Buchbinder, chiến lược gia cổ phiếu tại LPL Financial, nói với USA Today: "Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ đang ở ngay phía trước khi việc mở cửa trở lại nền kinh tế tiếp tục, củng cố triển vọng thu nhập tốt".

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, khi áp lực lạm phát gia tăng, lãi suất có khả năng tăng hơn nữa và sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán có thể sẽ chậm lại và đi kèm với nhiều biến động hơn, ông Buchbinder nói thêm.

Ngoài ra, khi nền kinh tế đang được cải thiện, với các gói hỗ trợ lớn và tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 tăng, nếu có sự sụt giảm nào xảy trên thị trường, đó cũng sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu với giá rẻ hơn, Buchbinder nói. Nên nhìn chung, cho dù có những biến động nhưng xu hướng tăng thì sẽ không thay đổi.

Quan trọng là, khi dịch bệnh qua đi, thế giới sẽ cần khôi phục nền kinh tế. Khi đó, thị trường chứng khoán chính là một kênh huy động vốn nhàn rỗi hiệu quả, an toàn để phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Theo Buchbinder, các nhà đầu tư đang chuyển hướng dòng vốn từ các cổ phiếu tăng trưởng cao trong đại dịch (như các công ty công nghệ, vốn phát triển mạnh trong thời kỳ giãn cách xã hội), sang các công ty có cơ hội hưởng lợi lớn khi nền kinh tế hồi sinh. Do đó, tạo ra một thị trường chứng khoán phát tiển toàn diện, an toàn sẽ góp phần không nhỏ, giúp phát triển kinh tế sau đại dịch.