Chứng khoán vẫn chịu rủi ro điều chỉnh

Kỳ Văn
Phần lớn đơn vị phân tích khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng quan sát bởi thị trường đang khó lường hơn, các cơ hội chỉ xuất hiện đơn lẻ ở số ít cổ phiếu.

Tâm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thế giới trong tuần vừa qua đến từ việc Fed tăng lãi suất 75 điểm phần trăm. Các quan điểm có phần cứng rắn của cơ quan này gây lo ngại về một lộ trình tăng lãi suất đến hết 2023.

Động thái của Fed đã đẩy đồng USD phá đỉnh 20 năm, các thị trường chứng khoán quốc tế chịu áp lực giảm mạnh và các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành.

Lãi suất tăng khiến mức định giá thị trường kém hấp dẫn hơn, Chứng khoán Việt Nam bị áp đảo bởi bên bán. VN-Index kết tuần giảm 30,75 điểm (-2,5%) về mức 1.203,28 điểm. HNX-Index giảm 8,44 điểm (-3,09%) và UPCoM-Index giảm 0,87 điểm (-0,97%).

Đa số các nhóm cổ phiếu có biến động tiêu cực, trong top 30 vốn hóa lớn nhất có đến 24 mã giảm giá. Dòng ngân hàng diễn biến xấu nhất từ đợt tăng lãi suất, trong khi các doanh nghiệp có tiền gửi nhiều như bảo hiểm tăng mạnh.

Thanh khoản thị trường tiếp tục rơi về mức thấp khi nhà đầu tư vẫn thận trọng quan sát. Tổng giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 14.044 tỷ đồng/phiên, giảm 6,5% so với tuần trước; trong đó giá trị khớp lệnh bình quân riêng sàn HoSE giảm 9,5% về 12.128 tỷ đồng/phiên.

Giao dịch khối ngoại vẫn là điểm trừ khi có tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp. Dòng vốn này thực hiện mua vào 126 triệu cổ phiếu trị giá 4.327 tỷ đồng và đồng thời bán ra 145 triệu cổ phiếu trị giá 4.815 tỷ đồng, tương ứng giá trị bán ròng là 488 tỷ đồng.

chung khoan,  du bao,  Fed,  tam ly anh 1

VN-Index bị điều chỉnh mạnh trong tuần 19-23/9. Đồ thị: TradingView.

Trước biến động mạnh trên thị trường quốc tế, chuyên gia phân tích tại VNDirect cho rằng nhà đầu tư cần thời gian để đánh giá lại các số liệu cũng như ổn định tâm lý. Rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn hiện hữu và VN-Index có thể lùi sâu dưới mốc 1.200 điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở mức vừa phải (50-70% cổ phiếu), có thể nắm giữ cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III tích cực như bán lẻ, thực phẩm, hạ tầng và bảo hiểm.

Chứng khoán BIDV dự báo giao dịch dự kiến sẽ ảm đạm trong tuần khi thông tin tăng lãi suất điều hành 1% đang tạo hiệu ứng tiêu cực trên thị trường.

Chứng khoán Tân Việt nhận thấy thị trường chưa có sự đồng thuận và khó lường hơn, trong khi các cơ hội sẽ chỉ xuất hiện đơn lẻ ở số ít cổ phiếu.

Chứng khoán Tiên Phong quan sát các chỉ báo vẫn duy trì tín hiệu tiêu cực, qua đó cho thấy rủi ro thị trường điều chỉnh là vẫn còn. Trong trường hợp chỉ số tiếp tục điều chỉnh và phá vỡ ngưỡng 1.200 điểm, vùng đáy tháng 7 sẽ là hỗ trợ tiếp theo nâng đỡ cho chỉ số.

Chứng khoán Đông Á đề xuất chiến lược ngắn hạn là chờ đợi các phiên phục hồi để giao dịch trên các nhóm cổ phiếu có độ nhạy cao với trạng thái thị trường như thép, bất động sản, chứng khoán, xây dựng.

Đối với danh mục trung dài hạn có thể chọn lọc mua tích lũy các nhóm cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh các quý cuối năm tăng trưởng.

Lưu ý thêm tuần giao dịch 26-30/9 cũng là giai đoạn thị trường sẽ chốt NAV cho quý III. Qua đó tổng kết đánh giá tương quan giá cổ phiếu và tình hình doanh nghiệp, hiệu quả đầu tư, cũng như những kỳ vọng mới cho quý IV.

Trên quan điểm tích cực hơn, Chứng khoán MBS cho rằng thị trường trong tuần này sẽ đón nhận các thông tin vĩ mô và báo cáo kinh doanh được đánh giá rất tích cực khi nền so sánh cùng kỳ thấp. VN-Index sẽ dao động quanh 1.200 điểm trước khi hồi phục sau loạt dữ liệu vĩ mô quý III.