Chuỗi cung ứng nông sản gặp khó về tài chính: Đề xuất 2 mô hình hỗ trợ

Admin
Một trong những hạn chế lớn nhất của chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam là thiếu nguồn tài chính dồi dào để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, tài trợ chuỗi cung ứng là giải pháp tối ưu để có thể giải quyết. Dù đã có từ rất lâu, song hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam vẫn còn rời rạc, chưa phổ biến...
Nông dân và doanh nghiệp khó tiếp cận tài chính
Tại hội thảo khoa học quốc gia về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam lần thứ 2 (CLSCM-2022) với chủ đề “Giải pháp phát triển Logistics và Chuỗi cung ứng bền vững của Việt Nam” tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Ngoại thương cho biết: tài trợ chuỗi cung ứng trong ngành nông nghiệp Việt Nam hiện còn khá nhiều hạn chế, đặc biệt thiếu rất nhiều nguồn tài chính hỗ trợ cho các tác nhân trong chuỗi để phát triển.
"Cụ thể, việc tiếp cận nguồn vốn vay với các hộ nông dân, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn do không có hoặc ít có tài sản thế chấp, lãi suất cao, hồ sơ thủ tục phức tạp. Trong khi đó mọi khâu của quy trình nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, phân phối nông sản đều cần nguồn lực tài chính rất lớn. Ngoài ra, việc thiếu vốn cũng khiến khả năng tiếp nhận các đơn hàng lớn và xây dựng mối quan hệ lâu dài với các đối tác trong chuỗi cung ứng trở nên khó khăn hơn", đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Hội thảo CLSCM-2022 thu hút sự tham gia của chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá về những hạn chế, trở ngại của ngành logistics.
Mặc dù Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ nông dân, tuy nhiên quy định của Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất cho vay với hộ nông dân thấp hơn so với thị trường cũng khiến các ngân hàng không tập trung đầu tư các dịch vụ của mình tại những khu vực này.
Đó là chưa kể việc hộ nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc vượt qua các hạn chế về rủi ro và thanh khoản vì một số lý do.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, mặc dù khái niệm về tài trợ chuỗi cung ứng đã xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng đầu thập niên 90 tuy nhiên việc ứng dụng tài trợ chuỗi cung ứng nói chung và tài trợ chuỗi cung ứng cho nông sản nói riêng vẫn chưa phổ biến dù nhu cầu là rất lớn.
Trong khi đó, trên thế giới tài trợ chuỗi cung ứng từ lâu đã được thừa nhận là giải pháp có thể giải quyết những vấn đề tài chính trong chuỗi. Tài trợ chuỗi cung ứng có thể cung cấp giải pháp tài chính giảm thiểu rủi ro, giúp các hộ nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ tiếp cận tới nguồn vốn.
Nhóm nghiên cứu tiếp cận tình huống của 3 nước Ấn Độ, Niger và Kenya với 2 hình thức tài trợ được áp dụng thành công là tài trợ kho hàng và bao thanh toán. Cả hai hình thức này, tuy đều đã được Chính phủ Việt Nam ban hành luật hợp pháp hoá nhưng vẫn chưa được áp dụng phổ biến tại Việt Nam nói chung và chưa được áp dụng trong tài trợ chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
Đề xuất 2 mô hình tài trợ chuỗi cung ứng nông sản
Dựa trên cơ sở phân tích thực trạng chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam cùng với những bài học kinh nghiệm về tài trợ chuỗi cung ứng nông sản tại một số nước trên thế giới, nhóm tác giả đề xuất hai mô hình nhằm đẩy mạnh tài trợ chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam: đó là hình thức tài trợ kho hàng và tài trợ bao thanh toán.
Với hình thức bao thanh toán, người bán (chủ yếu hộ nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn tài chính hạn chế) sau khi bán hàng cho người mua (các doanh nghiệp chế biến) sẽ gửi lại một bản sao hoá đơn cho tổ chức tài chính (ngân hàng) để được thanh toán ngay lập tức một khoản phần trăm lớn giá trị hoá đơn (thường là 80% - tuỳ từng ngân hàng và tuỳ thoả thuận).
Dù đã có từ rất lâu, song hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam vẫn còn rời rạc và chưa phổ biến.
Điều này sẽ giúp cho các hộ nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải chờ đến ngày đáo hạn thanh toán để được nhận tiền hàng từ người mua, họ sẽ có nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất, vận hành việc kinh doanh của mình. Sau đó, khi đến thời hạn thanh toán theo hợp đồng giữa người mua và người bán, người bán sẽ thanh toán toàn bộ tiền hàng cho ngân hàng, lúc này ngân hàng sẽ trả lại phần tiền hàng còn lại cho người nông dân và giữ lại một phần phí dịch vụ.
Với hình thức tài trợ kho hàng, vào mùa thu hoạch, khi giá sản phẩm còn thấp, người bán có thể gán hàng hoá của mình như là tài sản thế chấp cho tổ chức tài chính để vay nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất tiếp theo của mình. Đến khi giá sản phẩm trên thị trường tăng trở lại, người bán sẽ bán hàng của mình và thanh toán cả gốc và lãi cho tổ chức tài chính.
Việc áp dụng hình thức này giúp hộ nông dân tránh được tình trạng bán hàng nhanh với giá thấp để thu hồi vốn nhanh, cải thiện được nguồn vốn để tái đầu tư, tổ chức tài chính và doanh nghiệp logistics (nếu có) đều tăng doanh thu nhờ bổ sung thêm dịch vụ.
Cần hoàn thiện khung pháp lý
Theo nhóm nghiên cứu, để có thể giải quyết những điểm nghẽn về tài chính trong chuỗi cung ứng và áp dụng thành công hai hình thức trên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý cho các hình thức tài trợ chuỗi cung ứng cụ thể là cho hình thức bao thanh toán và tài trợ khi bãi.
Nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện để xây dựng hệ thống công nghệ nhằm tạo tiền đề để tài trợ chuỗi cung ứng diễn ra trên nền tảng điện tử, trở nên rộng khắp, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí hơn.
Đây là một lĩnh vực tương đối mới nên cần tiến hành đào tạo, truyền đạt đến các hộ nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ về lợi ích của tài trợ chuỗi cung ứng, cách thức thực hiện để nâng cao hiểu biết về lĩnh vực này, tránh rủi ro không cần thiết trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần công khai minh bạch về tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh để tạo niềm tin vững chắc cho các tổ chức tài chính cung cấp các dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng phù hợp.