Chuồng bò hơn 230 triệu ở Nghệ An

Admin
Nghệ An đầu tư 12,6 tỷ đồng xây 67 chuồng bò cho người dân tộc thiểu số Ơ đu ở Nghệ An để phát triển kinh tế. Trong đó, có công trình tiêu tốn kinh phí lên đến 236 triệu đồng.

Liên quan vụ một cán bộ Phòng chính sách, Ban dân tộc tỉnh Nghệ An vừa bị bắt vì sai phạm trong việc thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu tại bản Văng Môn, xã Nga Mi (huyện Tương Dương), mới đây thông tin về việc tỉnh này đã chi 12,6 tỷ đồng để xây 67 chuồng trại gia súc trong đề án này càng khiến nhiều người nghi vấn về lỗ hổng của dự án.

Xây chuồng bò 236 triệu

Ông Đặng Xuân Quyền, Trưởng phòng quản lý xây dựng công trình (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An), cho biết đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025 được Chính phủ phê duyệt năm 2016 với kinh phí 120 tỷ đồng.

Trong đó kinh phí Trung ương chiếm 90%, 10% còn lại là ngân sách đối ứng địa phương.

xay chuong bo cho nguoi thieu so anh 1

Nghệ An đầu tư 12,6 tỷ đồng để xây 67 chuồng bò cho người dân tộc thiểu số. Ảnh: L.T.

Tháng 7/2019, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định phân bổ kinh phí thực hiện các hạng mục của đề án. Ban dân tộc tỉnh Nghệ An được giao làm chủ đầu tư. Theo đề án, tại bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) có hạng mục xây dựng 67 chuồng trại gia súc cho 67 hộ dân theo quy hoạch với kinh phí 12,6 tỷ đồng.

Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 với giá xây dựng hơn 7,24 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có 10 chuồng loại 2 với kinh phí lên tới hơn 2,36 tỷ đồng (tương đương mỗi chuồng bò đầu tư khoảng 236 triệu đồng).

Theo thiết kế, mỗi chuồng bò loại 2 có diện tích hơn 30 m2, chiều cao tường 2,7 m, trước và sau có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền bê tông; phía trên lợp mái tôn; phía sau có máng để phân; máng đựng thức ăn... Tháng 10/2019, hạng mục chuồng bò được nghiệm thu và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2020.

Người dân cho rằng, việc đầu tư hàng trăm triệu đồng cho xây dựng chuồng bò theo đề án trong khi cuộc sống người dân Ơ đu còn khó khăn là khập khiễng, chưa phù hợp. Họ còn nghi vấn số tiền báo cáo để xây dựng chuồng bò theo đề án đã bị thổi phồng.

Nói về vụ việc, ông Đặng Xuân Quyền khẳng định việc thẩm định giá của hạng mục này là đúng quy định và đơn giá của Nhà nước.

“Giá xây dựng được thẩm định theo đơn giá Nhà nước, đắt hay rẻ đều có quy định. Khung giá này được liên sở Xây dựng và Sở Tài chính Nghệ An ban hành, nếu làm sai chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm”, ông Quyền nói.

Đưa nhầm 231 người vào đề án

Liên quan đến đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu ở tỉnh Nghệ An, ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết quá trình triển khai đề án từng xảy ra việc “đưa nhầm” 231 nhân khẩu vào diện hỗ trợ.

xay chuong bo cho nguoi thieu so anh 2

Có những chuồng bò được đầu tư đến 236 triệu đồng. Ảnh: L.T.

Theo ông Hải, sai sót trên là do kế thừa số liệu khảo sát thực tế và niên giám thống kê huyện Tương Dương từ cuối tháng 12/2015. Theo đó, ở bản Đửa xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) có 45 hộ với 231 nhân khẩu người Ơ đu. Tuy nhiên, thực tế ở bản Đửa không có người Ơ đu nào nên vào tháng 9/2019, UBND tỉnh Nghệ An ra văn bản đưa bản Đửa ra khỏi danh sách thôn bản được hỗ trợ.

"Số liệu người Ơ đu trên địa bàn rất thiếu logic, lúc tăng lúc giảm. Do người ta cứ chạy đi chạy lại, rồi lúc người ta nhận, lúc người ta lại không nhận. Khi kiểm tra thực tế số liệu không có người Ơ đu ở xã Lượng Minh, Ban đã báo cáo, tham mưu tỉnh đưa bản Đửa ra diện đầu tư hỗ trợ theo đề án", ông Hải lý giải.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng thừa nhận thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình phê duyệt do kế thừa các số liệu đề án đã cung cấp trước đó.

Tối 21/7, Công an tỉnh Nghệ An bắt tạm giam 4 tháng đối với Kim Văn Bốn (38 tuổi, cán bộ Phòng chính sách, Ban dân tộc tỉnh Nghệ An) để điều tra về hành vi Tham ô tài sản.

Theo cơ quan công an, trong quá trình thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu, ông Bốn lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ đề án.

Cơ quan điều tra xác định số tiền mà ông Bốn chiếm đoạt được lên đến hàng trăm triệu đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước.