Trong nhà bếp, nếu để kể tên những món đồ không thể thiếu của hội chị em "yêu bếp", chắc chắn không thể thiếu chiếc chảo chống dính.
Về cơ bản, đây là một loại chảo được thiết kế đặc biệt. Mặt trong của chảo chống dính được phủ một lớp hợp chất cao phân tử, tên là polytetrafluoroethylene (viết tắt PTFE).
Nó phục vụ cho mục đích giúp thức ăn khi xào, rán không bị dính vào đáy chảo. Từ đó, tránh được tình trạng bị cháy xém, hay biến dạng thức ăn.
Chính bởi tính năng vượt trội này, nên chảo chống dính dần trở thành dụng cụ nấu nướng được ưa chuộng hàng đầu trong mọi nhà bếp.
Chảo chống dính là một trong những dụng cụ nấu nướng không thể thiếu trong nhà bếp. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố mới đây cho thấy, nếu không được sử dụng, vệ sinh cũng như bảo quản đúng cách, chảo chống dính cũng có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
TheoSciencealert, các nhà khoa học từ hai trường Đại học danh tiếng nước Úc là Đại học Newcastle và Đại học Flinders đã thí nghiệm trên một chiếc chảo chống dính dùng 2 năm, cùng dụng cụ nấu nướng bằng inox và gỗ để đo lường mức độ hạt nhựa có khả năng phát tán trong quá trình nấu ăn.
Kết quả công bố trên tạp chí The Total Environment cho thấy, dù chỉ một vết xước nhỏ trong lòng chảo, cũng có thể giải phóng khoảng 9100 hạt nhựa. Con số này sẽ lên tới 2,3 triệu hạt nếu như vết xước lớn hơn, từ vài milimet.
Những vết xước nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới quá trình nấu hay thực phẩm được nấu trong chảo chống dính. (Ảnh minh họa)
Các vết xước trên chảo chống dính xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân phổ biến và nhiều gia đình mắc phải nhất chính là vệ sinh chảo không đúng cách. Việc cọ rửa quá mạnh, hoặc dùng những búi cọ nồi bằng kim loại có thể dẫn tới việc lớp chống dính bị xước.
Vì vậy, các gia đình nên lưu ý để vệ sinh sao cho đúng, đảm bảo an toàn cho dụng cụ. Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia hàng đầu về nhà bếp về cách vệ sinh chảo chống dính hiệu quả mà lại an toàn.
1. Trước khi làm sạch chảo
Công đoạn trước khi làm sạch chảo chống dính cũng vô cùng quan trọng khi muốn đảm bảo độ bền cho chảo. Sau khi nấu ăn xong, không nên cho chảo chống dính ngay vào bồn nước. Thay vào đó, hãy để chảo nguội hoàn toàn trên mặt bếp đã tắt. Cùng với đó, nếu trong chảo vẫn còn các loại dầu hay cặn thức ăn thừa thì hãy loại bỏ chúng.
Sau khi nấu xong, không rửa chảo ngay mà để nguội, loại bỏ chất bẩn trước. (Ảnh minh họa)
Nếu có dầu ăn thừa, dù là dầu còn nóng hay dầu nguội, tuyệt đối không đổ chúng xuống bồn rửa. Bởi hành động này có thể gây ra tắc nghẽn đường ống thoát nước. Hãy đổ chúng vào thùng rác đã được bọc lót kỹ càng.
2. Bắt đầu làm sạch chảo
Khi chảo nguội, bạn có thể tiến hành vệ sinh, làm sạch chúng ngay. Tuy nhiên, đừng nên sử dụng nước quá nóng hoặc quá lạnh. Nhiệt độ của nước cũng có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng bề mặt lớp chống dính của chảo. Theo lời khuyên từMasterClass.com, hãy dùng nước ấm pha với xà phòng hay chất tẩy rửa.
Nước ấm có đủ nhiệt độ để loại bỏ các vết bẩn, dầu mỡ bên trong chảo. Thao tác nhẹ nhàng việc cọ rửa chào bằng miếng bọt biển hoặc các loại khăn rửa mềm.
Sau khi chảo nguội, ngâm chảo trong nước vài phút rồi cọ rửa nhẹ nhàng bằng miếng bọt biển, không dùng búi cọ nồi kim loại. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, với các loại chảo chống dính có nhiều vết bẩn, thức ăn cứng đầu, bạn sẽ cần bổ sung thêm 1 vài nguyên liệu làm sạch bổ trợ khác. Có thể kể tới như giấm hay baking soda.
Việc đầu tiên ta cần làm với những chiếc chảo có nhiều vết bẩn cứng đầu hay vết cháy xém chính là ngâm chảo. Sau khi chảo đã nguội phần nào, ngâm trong chảo một lượng nước ấm nhất định, khoảng 2/3 chảo.
Sau khoảng thời gian được ngâm, từ 20 - 30 phút tùy vào tình trạng, chất bẩn bên trong chảo có thể mềm ra phần nào. Lúc này, để làm sạch tốt hơn, hãy đổ thêm nửa cốc giấm trắng vào chảo cùng nước ấm, rồi cho lên bếp đun nhỏ lửa trong khoảng 5 phút.
Đun giấm và nước trên chảo trong khoảng 5 phút sẽ giúp vết bẩn, dầu mỡ mềm ra nhanh hơn, dễ vệ sinh hơn. (Ảnh minh họa)
Sau khi lấy chảo ra khỏi bếp thì dùng thêm một tờ khăn giấy thấm nước lên bề mặt nước. Chất bẩn từ thức ăn thừa hay dầu mỡ thừa sẽ được thấm hút vào tờ khăn giấy đó. Cuối cùng chỉ cần bỏ khăn giấy và đổ nước đun trong chảo đi và tiến hành vệ sinh bình thường.
Một cách khác nữa đó là dùng baking soda. Theo hướng dẫn trên MasterClass.com, bạn cần trộn một thìa baking soda với hai thìa nước sao cho 2 nguyên liệu hòa với nhau và có sự đặc sệt nhất định. Sau đó, dùng mặt còn lại của thìa để chà hỗn hợp này lên lòng chảo. Chỉ khoảng 5 - 10 phút sau, các vết bẩn sẽ mềm ra và bạn có thể đem đi rửa.
Baking soda cũng là một nguyên liệu hiệu quả để làm sạch những vết cháy trên chảo. (Ảnh minh họa)
3. Kết thúc làm sạch chảo
Công đoạn cuối cùng của việc làm sạch, cọ rửa các loại chảo chống dính đó là làm khô chúng. Đừng cho chúng vào máy sấy bát đĩa với nhiệt độ cao, thay vào đó hãy để chúng khô một cách tự nhiên nhất.
Bạn có thể dùng những chiếc khăn mềm, sạch để lau qua bề mặt chảo hay các khe kẽ, sau đó đem phơi ở vị trí thoáng mát, ráo nước như các loại kệ, giá. Hạn chế xếp chồng chảo chống dính lên nhau hay các loại nồi niêu, bát đĩa khác lên chảo.
Sau khi rửa chảo xong, dùng khăn mềm lau qua rồi để khô tự nhiên. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh việc rửa đúng cách, việc giữ cho lớp chống dính của chảo chống dính được đảm bảo cũng có thể ảnh hưởng bởi cách bảo quản chảo. Một số lưu ý khi bảo quản chảo chống dính bạn và gia đình nên ghi nhớ như sau:
- Hạn chế rửa bằng máy rửa bát, tốt nhất hãy rửa bằng tay.
- Tránh dùng các loại nước xịt nấu ăn.
- Khi nấu, không dùng các loại dĩa hay đũa có đầu nhọn tác động vào lòng chảo bởi nó có thể làm xước lớp chống dính.
- Khi cất vào tủ với nhiều loại đồ dùng khác, có thể lót trong chảo một miếng vải hoặc khăn mềm, sạch để tránh va chạm, gây trầy xước lớp chống dính.