Chuyện khẩu trang y tế thời Covid-19: Bài học kinh doanh kiểu ‘tát nước theo mưa’?

Admin
Bán hàng theo kiểu “tát nước theo mưa”, chộp giật, khó có thể bền vững lâu dài. Bởi khi nhu cầu thị trường không còn hoặc giảm đi, bản thân mặt hàng đó không còn sức hút, khả năng chiếm lĩnh thị trường.

Khẩu trang y tế “đắt khách” trở lại

Sau 99 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng, sáng 25/7, Việt Nam công bố 1 trường hợp lây nhiễm cộng đồng mới (Bệnh nhân số 416): 57 tuổi, thường trú tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng). Đến chiều 26/7, Bộ Y tế công bố thêm 2 ca Covid-19 được xác định lây nhiễm trong cộng đồng là một bệnh nhân 17 tuổi ở Quảng Ngãi và nữ bệnh nhân 71 tuổi ở Đà Nẵng.

Việc xuất hiện ca dương tính với Covid-19 ở Đà Nẵng khiến nhu cầu về các mặt hàng như: nước rửa tay, sát khuẩn tăng cao. Thời điểm hết giãn cách toàn xã hội, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm mới, giá khẩu trang y tế tại một số cửa hàng thuốc trên địa bàn Cầu Giấy, Mỹ Đình (Hà Nội) dao động từ 45.000 – 60.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, khi có thông tin dịch bệnh, giá mặt hàng này đã tăng đến 90.000 đồng – 100.000 đồng/hộp). So sánh với thời điểm trước đó, giá khẩu trang y tế có tăng, song chưa nhiều, bởi phạm vi diễn biến dịch còn ở quy mô hẹp.

Trên thị trường mua bán online, các tiểu thương cũng nắm bắt cơ hội này tiếp tục quảng cáo bán khẩu trang y tế, sau 100 ngày “vắng khách” bởi dịch đã được kiểm soát. Không ít người có động thái ôm hàng để chờ nhu cầu của người dân tăng lên. Họ sẵn sàng vay tiền để nhập hàng, thậm chí, phải nhập với số lượng lớn nhằm hưởng chiết khấu cao.


Thị trường khẩu trang y tế, nước rửa tay... tấp nập trở lại. Ảnh minh họa

Trước diễn biến phức tạp của dịch, nhiều thương lái lợi dụng tâm lý của người dân nhằm bán ra các sản phẩm như: khẩu trang y tế, nước rửa tay… không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém. Do đó, ngày 27/7, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo địa bàn, lĩnh vực được phân công quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá định giá bán bất hợp lý đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch.

"Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn trên thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được công bố hợp quy hàng dệt may, không đảm bảo chất lượng, không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết", đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay.

Chuyện bán hàng theo thời vụ

Dịch bệnh bùng phát, mặt hàng y tế như: khẩu trang, nước rửa tay, kháng khuẩn… bỗng dưng đắt như “tôm tươi”. Người dân có “xót tiền” cũng “thắt lưng buộc bụng” chi tiêu mà mua cho đủ những loại mặt hàng trên, nhằm bảo vệ sức khỏe cả gia đình. Cũng như nhiều tiểu thương khác, việc bán hàng theo nhu cầu không còn là câu chuyện xa vời. Bởi theo thị trường, có cung mới có cầu. Tuy nhiên, đối với mặt hàng y tế trong đợt dịch, cầu nhiều quá khiến lượng cung trở nên khan hiếm. Nhiều người bán hàng “tát nước theo mưa” đẩy giá lên cao.

Người người đổ tiền mua khẩu trang y tế, nước rửa tay… để bán với giá cao, nhằm thu về giá trị thặng dư lớn. Thế nhưng, sau khi dịch được đẩy lùi, mặt hàng này trở lại đúng vị trí ban đầu của nó, với mức giá dao động 40-50.000 đồng/hộp, thay vì vài trăm nghìn/hộp như thời dịch bệnh.

Không chỉ riêng kinh doanh mặt hàng y tế mà nhiều loại sản phẩm khác, khi kinh doanh cần phải tính toán kỹ lưỡng. Doanh nghiệp có đi đường dài hay không, còn phải phụ thuộc vào mặt hàng, chiến lược đường dài và khả năng quản trị doanh nghiệp.