Cổ đông ngân hàng năm nay thích cổ phiếu hơn

Kỳ Văn
Cổ phiếu ngân hàng đang có mức giá tốt nên năm nay các cổ đông mong muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì chia bằng tiền mặt như mọi năm.

Hiệu quả kinh doanh đến từ yếu tố nào?

Đơn cử, cổ phiếu CTG của VietinBank trong một năm qua đã tăng từ mức 20.000 đồng lên trên 40.0000 đồng, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank thời gian qua cũng tăng từ mức 5.600 đồng lên 16.300 đồng… Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn dắt trên thị trường chứng khoán, biểu hiện rõ nhất là ba cổ phiếu TCB tăng 4,1%, BID tăng 3,9%, EIB tăng 3,8% đã tham gia kéo VN-Index quay lên 1.200 điểm (trong phiêu 18/3).

Tổ chức quốc tế J.P Morgan đã đánh giá các ngân hàng Việt có tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tốt nhất khu vực ASEAN. Điều này sẽ dẫn tới kỳ vọng giá cổ phiếu tăng từ 8-42% trong suốt năm 2021 và có thể là cao hơn trong 3 năm tới. Do đó, mặc dù giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng 11% so với đầu năm, cao hơn mức tăng của VN-Index là 6% và tăng 30% trong 3 tháng qua, ngành Ngân hàng vẫn được khuyến nghị tăng tỷ trọng.

Cổ đông ngân hàng năm nay thích cổ phiếu hơn - Ảnh 1.
Giá cổ phiếu nhiều ngân hàng tốt lên, cổ đông nhỏ không còn so sánh cổ tức với lãi suất tiết kiệm

Những người quan sát hoạt động ngân hàng có thể dễ dàng nhận ra rằng những ngân hàng có nền tảng tài chính vững mạnh và hoạt động kinh doanh tốt đều có mức giá cổ phiếu tăng tốt thời gian qua. Hiệu quả kinh doanh ngân hàng thời gian qua có thể kể đến 3 yếu tố. Thứ nhất, hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng từ nhiều năm trước đã được các ngân hàng tích cực thu hồi và xử lý nên nhiều khoản phải thu nay hoàn nhập vào thu nhập của các ngân hàng.

Trong hoạt động xử lý nợ xấu nói chung, có xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 tính đến thời điểm này đã có hơn 20 ngân hàng mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Ngân hàng nào mua lại sạch nợ của mình ở VAMC sẽ tạo ra hình ảnh thương hiệu là ngân hàng không còn nợ xấu. Thực tế, những ngân hàng mua lại nợ ở VAMC phải có năng lực tài chính, trong đó hiệu quả kinh doanh tốt mới giúp xử lý tốt nợ xấu. Hiện, tỷ lệ bao nợ xấu của các ngân hàng đã ở mức trên dưới 100%, có những ngân hàng như Vietcombank, VietinBank tỷ lệ bao nợ xấu tính đến cuối năm 2020 lần lượt ở mức 160% và 130%.

Thứ hai, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng có sự đóng góp hàng ngàn tỷ đồng từ phí dịch vụ, trong đó có phí liên kết hợp tác với các công ty bảo hiểm bán chéo sản phẩm qua ngân hàng. Các khoản phí ứng trước ngân hàng nhận về đáng kể như: MSB nhận ứng trước phí từ hợp đồng bảo hiểm của hai công ty Prudential và Dai-ichi Life khoảng 1.900-2.100 tỷ đồng, thương vụ ACB với Sun Life triển khai từ năm nay giá trị phí ứng trước là 8.500 tỷ đồng, Vietcombank và FWD khoảng 9.300 tỷ đồng… Những năm gần đây người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng tăng nhanh, đặc biệt trong mùa dịch bệnh Covid-19 phải cách ly, các hình thức thanh toán mobile banking, internet banking càng phát triển mạnh dẫn đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng đến từ phí dịch vụ thanh toán ngày càng tăng.

Và yếu tố thứ ba, tác động đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng thời gian qua chính là từ việc bán các cổ phiếu quỹ tích lũy sau nhiều năm. Có thể nói, yếu tố này góp phần không nhỏ vào thu nhập chung của các ngân hàng.

Nhiều ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu

Moody’s mới đây công bố xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn đối với 15 ngân hàng ở mức Ba3 và điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng (Vietcombank, Agribank, VietinBank, Techcombank, BIDV) từ "tiêu cực" lên "tích cực". 4 ngân hàng được điều chỉnh từ "ổn định" lên "tích cực" (OCB, TPBank, VPBank, VIB), 6 ngân hàng từ "tiêu cực" lên "ổn định" là ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MB, SeABank.

Hiệu quả kinh doanh đã khẳng định vị thế nhiều ngân hàng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư gia tăng nắm giữ cổ phiếu ngân hàng trong dài hạn thay vì như mọi năm trước đây cổ đông nhỏ lẻ chủ yếu muốn chia cổ tức tiền mặt. Điều này tạo thêm điều kiện cho các ngân hàng mở rộng quy mô thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu trong mùa đại hội năm nay.

Trong kế hoạch VIB xin ý kiến cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng gần 30%, theo kế hoạch dự kiến ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng. BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tương đương tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tương đương tỷ lệ 7%), thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và IV năm 2021. ACB cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng trong kỳ họp cổ đông thường niên diễn ra ngày 4/6 năm nay. SHB cũng dự kiến sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5%, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng, tương đương tăng 21% so với vốn điều lệ hiện nay.

Các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối năm nay đã có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu mở rộng quy mô kinh doanh sau khi Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi. Theo đó, VietinBank đã lấy ý kiến cổ đông tăng vốn điều lệ lên 48.000 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ gần 28,8%, Vietcombank cũng có khả năng chia một phần cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, những ngân hàng có trên 50% vốn nhà nước muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu phải được sự đồng ý của Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Theo định hướng của NHNN, các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu để dành nguồn lực chia sẻ hỗ trợ doanh nghiệp. Năm nay giá cổ phiếu nhiều ngân hàng tốt, nhà đầu tư đang muốn tăng lượng nắm giữ nên phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ thuận lợi cho các ngân hàng trình cổ đông.