Khoảng 1 tháng qua, giá vàng SJC đã có thời điểm vọt lên trên 62 triệu đồng/lượng rồi rớt xuống 52 triệu đồng/lượng vài ngày sau đó. Biên độ giá mua - bán vàng SJC được đẩy lên mức kỷ lục, nhiều thời điểm giá vàng SJC cao hơn thế giới 3-4 triệu đồng/lượng khiến nhiều người mua bán vàng bị thiệt hại nặng. Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới cũng nhiều phiên bị bán tháo mạnh, rớt cả 100 USD/ounce.
Vàng thế giới có bị thao túng?
Cuối ngày 21-8, giá vàng SJC được giao dịch phổ biến quanh mức 55,35 triệu đồng/lượng mua vào, 56,75 triệu đồng/lượng bán ra, tăng khoảng 300.000 đồng/lượng so với hôm trước. Chênh lệch giá mua - bán vàng tiếp tục được các doanh nghiệp neo ở mức cao: 1,4 triệu đồng/lượng (trong khi trước đó, mức chênh lệch này chỉ từ 150.000 - 300.000 đồng/lượng). Giá vàng SJC cũng đang cao hơn giá thế giới quy đổi khoảng 2,1 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới có lúc tăng lên mức 1.949 USD/ounce sau khi thông tin u ám về tình trạng thất nghiệp ở Mỹ càng củng cố nỗi lo nền kinh tế hàng đầu thế giới này mất nhiều thời gian hơn để hồi phục từ đại dịch Covid-19. Theo hãng tin Reuters, giá vàng đã tăng 0,5% trong tuần này sau khi trải qua một tuần tồi tệ nhất trong vòng 5 tháng.
Mua bán vàng tại chợ Thiếc (quận 11, TP HCM).Ảnh: TẤN THẠNH
Một số chuyên gia tin rằng giá vàng có thể tăng lên 5.000 USD/ounce vào cuối năm tới sau khi lần đầu tiên chinh phục cột mốc 2.000 USD/ounce hồi đầu tháng 8. Chuyên gia kinh tế trưởng Shan Saeed của Công ty Juwai IQI nhận định giá vàng có thể được giao dịch trong phạm vi 3.000-5.000 USD/ounce vào tháng 12-2021. "Có 2 yếu tố sẽ định đoạt hoặc tác động đến giá vàng là sự thao túng của các ngân hàng trung ương và bán chốt lời. Giá vàng sẽ tiếp tục tăng khi các nhà đầu tư lớn tăng cường danh mục đầu tư của họ, từ đó hỗ trợ giá vàng trong dài hạn" - ông Shan nói với báo New Straits Times (Malaysia).
Theo một số chuyên gia, các ngân hàng trung ương có thể gây sức ép lên giá vàng bằng cách bí mật bán vàng. Một động thái khác là làm gián đoạn sự cân bằng cung cầu hiện có bằng cách cung ứng vàng thông qua hình thức cho vay và hoán đổi. Trong khi đó, trang Seeking Alpha nêu kịch bản có bàn tay thao túng sau những gì xảy ra với giá vàng gần đây. Một "chiêu" được nói đến là đặt các lệnh bán tháo số lượng lớn vàng để hạ giá xuống rồi đặt mua lại cùng số lượng vàng đã bán ở mức giá đã giảm đáng kể để kiếm lời. Trang này đã phân tích diễn biến trên thị trường vàng thế giới để cho thấy kịch bản trên không phải là không có cơ sở. Đơn cử, sáng 7-8, giá vàng ở mức 2.060 USD/ounce và bắt đầu đi xuống. Đến ngày 11-8, làn sóng bán tháo mạnh mẽ khiến giá vàng rơi một mạch từ vùng 2.025 USD/ounce xuống dưới 1.925 USD/ounce. Một ngày sau đó, thêm một đợt bán tháo mạnh mẽ trước buổi trưa đẩy giá giảm còn 1.875 USD/ounce. Sau đó, làn sóng bán vàng dần hạ nhiệt. Những người thao túng, nếu có, có thể mua vàng ở mức thấp hơn nhiều so với mức buổi sáng 7-8 và thu về khoản lợi nhuận đáng kể.
Chuyên gia vàng trong nước, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc SJC Phú Thọ, cho hay với kinh nghiệm theo dõi thị trường vàng hơn 20 năm, ông thấy có việc vàng bị làm giá. Theo ông Hải, giới đầu tư tài chính thế giới có rất nhiều cách để đẩy giá vàng lên cao rồi "đạp" xuống thấp. "Như trường hợp ngày 3 và 4-1-2020, sự kiện Không quân Mỹ giết tướng Qassem Soleimani của Iran khiến giá vàng thế giới bị thổi lên 3,4% dù sự việc này không liên quan trực tiếp tới kinh tế. Rồi khi Quốc hội Mỹ trình gói hỗ trợ 2.000 tỉ USD và sau đó hạ xuống 1.000 tỉ USD nhằm giúp nền kinh tế hồi phục sau đại dịch, giới đầu tư tài chính quốc tế tiếp tục đẩy giá khiến cả thị trường vàng, chứng khoán và các loại ngoại tệ đều chao đảo" - ông Trần Thanh Hải phân tích.
Ở góc nhìn khác, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng, cho rằng việc thao túng giá vàng trên thị trường quốc tế là có nhưng cực kỳ khó. Hiện quy mô giao dịch trên thị trường tài chính thế giới bao gồm vàng, chứng khoán, các loại ngoại tệ mạnh như USD... khoảng 8.000 tỉ USD mỗi ngày. Tham gia thị trường vàng có các quỹ đầu tư lớn, định chế tài chính, ngân hàng trung ương các nước, nhà đầu tư lớn... nên rất khó để "bắt tay" làm giá.
Đu theo "sóng lớn" sẽ rủi ro
Ở thị trường trong nước, những ngày qua, khi giá vàng thế giới lập đỉnh lịch sử 2.080 USD/ounce, vàng SJC cũng liên tục phá kỷ lục. Trong những thời điểm nóng sốt, giá vàng SJC cao hơn thế giới khoảng 3-4 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua - bán tăng cao bất thường. Đại diện một công ty vàng khá lớn ở TP HCM cho hay những ngày qua, giao dịch vàng khá ảm đạm, nhu cầu không tăng đột biến nhưng do giá vàng thế giới liên tục biến động mạnh nên doanh nghiệp phải nới rộng biên độ chênh lệch để phòng thủ.
Ông Phan Dũng Khánh cho rằng có việc làm giá vàng SJC bởi mức chênh lệch giá mua - bán lên tới 3-4 triệu đồng/lượng là quá bất thường; nhiều thời điểm cao hơn giá thế giới vài triệu đồng/lượng. Trước năm 2018, chênh lệch giá mua - bán vàng chỉ khoảng 150.000 đồng/lượng, nay khoảng cách này lên tới vài triệu đồng sẽ đẩy phần thiệt về những người tham gia thị trường. Lúc này, cơ quan quản lý có thể can thiệp để biên độ chênh lệch giá mua - bán ở mức hợp lý, thu hẹp khoảng cách giá vàng SJC với giá thế giới.
Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới chịu sự chi phối rất nhiều từ giới đầu tư tài chính còn giá vàng trong nước biến động theo thế giới nên trong chừng mực nào đó đang chịu ảnh hưởng không ít. Khi giá thế giới bị thao túng thì trong nước cũng khó tránh bị tác động. Ông Trần Thanh Hải phân tích thời điểm giá vàng SJC bị đẩy lên cao hơn thế giới 3-4 triệu đồng/lượng, nghĩa là tốc độ "tung hứng" gấp 3-4 lần so với thế giới. Như thời điểm ngày 11, 12-8, giá vàng thế giới tăng khoảng 6% chỉ trong 24 giờ, cộng thêm nhiều doanh nghiệp lớn không chủ động được nguồn vàng nên giá mua - bán vàng SJC chênh nhau tới 4 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh này, có 3 đối tượng đang bị thiệt hại khi tham gia thị trường vàng, gồm: những người có nhu cầu mua vàng như tài sản an toàn, tiết kiệm; một bộ phận người dân sống ở nông thôn có thu nhập, mua vàng để tiết kiệm và những đối tượng vay nợ vàng khi giá xuống thấp (35-36 triệu đồng/lượng), giờ giá vàng tăng lên 55-60 triệu đồng/lượng khiến họ gặp khó khăn... "Đây đều là những nhóm yếu thế trong đợt biến động giá vàng vừa qua. Do đó, ở những thời điểm nóng sốt, cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý bởi vàng SJC hiện là thương hiệu vàng quốc gia, được độc quyền nhập khẩu, sản xuất và gia công bởi Ngân hàng Nhà nước. Giải pháp có thể triển khai là cho phép dập vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu, vàng 24K để tăng nguồn cung thị trường" - ông Trần Thanh Hải nêu quan điểm.
Ông Phan Dũng Khánh khuyến cáo nhà đầu tư không nên đu theo "sóng" vàng thời điểm này, không bị cuốn theo thị trường khi giá biến động mạnh để tránh thiệt hại.
Không thiếu nguồn cung vàng SJC
Trước những diễn biến trên thị trường vàng trong nước thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết doanh số và lượng giao dịch vàng miếng trên thị trường không có sự đột biến. Doanh số mua bán trong tháng 7 tại các doanh nghiệp và ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ. Thậm chí, trong khoảng 15 ngày đầu tháng 8, doanh số giao dịch vàng miếng thấp hơn so với nửa đầu tháng 7.
"Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn theo sát thị trường vàng và trong trường hợp cần thiết sẽ có giải pháp và đủ nguồn lực để can thiệp bình ổn thị trường. Thực tế, nguồn cung vàng SJC đến thời điểm này không thiếu. Người dân có nhu cầu mua bán vàng miếng tới doanh nghiệp và ngân hàng thương mại được cấp phép vẫn được đáp ứng đầy đủ" - ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định và cho biết thêm những ngày qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP đã tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty SJC gia công vàng SJC móp méo để tăng nguồn cung cho thị trường.
T.Phương