Trong báo cáo triển vọng thị trường được công bố mới đây, CTCK Nhất Việt (VFS) đã đưa ra đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam đồng thời cập nhập một số nhóm ngành và cổ phiếu tiêu biểu trong nửa cuối năm 2021.
VFS cho rằng, hiện định giá của thị trường Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn. Tính đến đầu tháng 7/2021, VN-Index đã giảm về quanh mốc 1.270 tương đương với định giá PE là khoảng 17 lần. Đây là mức hấp dẫn khi so sánh với các vùng đỉnh lịch sử 2018 ở mức 22 lần và 2008 ở mức 32 lần cũng như khi so sánh với các quốc gia trong khu vực với mức P/E trung bình trong khoảng 29 – 33 lần.
Mặc dù, VN-Index đã có mức chiết khấu khá mạnh hơn 10% từ vùng 1.420 về quanh mức 1.270 nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, VFS dự báo thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong ngắn hạn, đi ngang trong khoảng 1.200-1.300 cho đến hết tháng 7 và hồi phục dần trở lại vào đầu tháng 8, trùng với thời điểm KQKD quý 2 đã công bố hoàn toàn và dịch Covid-19 được khống chế trở lại. Tiếp đó, VN-Index sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trên cơ sở hồi phục của nền kinh tế và có thể cán mốc 1.500-1.550 vào cuối năm 2021.
VFS cũng đưa ra đánh giá triển vọng tích cực nửa cuối 2021 cho một số nhóm ngành như: bộ ba "bank, chứng, thép", bất động sản, thủy sản, bán lẻ, cảng biển. Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra triển vọng trung bình tại các nhóm dệt may, dầu khi và điện; kèm theo đánh giá kém khả quan với nhóm cổ phiếu ngành hàng không.
Với nhóm Ngân hàng, thời gian qua, nhiều ngân hàng được chấp thuận tăng "room" tín dụng cả năm lên tới 15 - 17% và các kế hoạch tăng vốn sẽ đáp ứng nhu cầu tín dụng, tạo động lực tăng trưởng cho nhóm cổ phiếu "vua". Cùng với đó, thông tư 03 mới được ban hành giúp giảm áp lực trích lập dự phòng nợ xấu của các NHTM khi khoảng thời gian đã được giãn ra trong 3 năm thay vì chỉ trong năm nay.
VFS nhận định, định giá ngành hiện vẫn còn hấp dẫn khi mức P/E cơ bản hiện tại ở mức 13 lần xấp xỉ với mức trung bình 5 năm và vẫn khá thấp khi so với đỉnh thiết lập năm 2018 là 21 lần. Cổ phiếu đáng chú ý theo VFS là TCB, VPB và MBB.
Với cổ phiếu chứng khoán, sự bùng nổ mạnh mẽ của nhà đầu tư mới tham gia thị trường sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nhóm ngành này. Dự kiến, khoảng 600 nghìn tài khoản sẽ được mở mới trong 6 tháng cuối năm 2021 khi mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và xu hướng công nghệ hóa đơn giản các thủ tục. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm và ở mức thấp tạo ra nguồn vốn giá rẻ dồi dào càng khiến F0 ồ ạt tham gia thị trường chứng khoán.
Nhờ "game" tăng vốn kích thích thị trường, dự báo các CTCK sẽ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, đặc biệt là các công ty có thế mạnh về nghiệp vụ môi giới và cho vay margin. Định giá bình quân của các CTCK về mức PB hấp dẫn trong khoảng từ 1.5 - 1.6. SSI, MBS và VND là ba mã cổ phiếu chứng khoán được VFS đánh giá triển vọng trong thời gian tới.
Tại ngành Bất động sản, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong nửa cuối 2021 sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng thuận lợi cho tăng trưởng. Nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm tạo hiệu ứng tích cực cho ngành bất động sản như Sân bay Long Thành, đường vành đai 1 (Hà Nội) giúp tăng hấp dẫn cho các khu vực BĐS lân cận; dự án giao thông vận tải cao tốc sẽ kết nối các khu công nghiệp với chuỗi cung ứng.
Môi trường lãi suất cho vay của các ngân hàng tiếp tục ở mức thấp cùng với việc nới room tín dụng sẽ tạo điều kiện cho việc huy động vốn trở nên thuận lợi hơn. Mặt khác, tổng vốn FDI đăng ký vào công nghiệp chế biến chế tạo 6 tháng đầu năm đạt 6,98 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2020 cho thấy nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài với các khu công nghiệp vẫn đang ở mức cao.
Hiện, mức định giá của ngành BĐS nói chung được đánh giá là hấp dẫn khi mức P/E chỉ bằng một nửa so với giai đoạn bùng nổ tạo đỉnh năm 2018 và thấp hơn mức trung bình 5 năm. VHM, NLG, KBC, SZC là những cổ phiếu BĐS được VFS kỳ vọng bùng nổ trong 6 tháng cuối năm 2021.