Cổ phiếu ngân hàng trong 'sóng' tăng vốn

Kỳ Văn
Kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu. Cổ phiếu ngân hàng là một trong những động lực tăng trưởng cho VN-Index trong 2 tháng gần đây. CTCK vẫn lạc quan về thị trường nhưng có phần thận trọng hơn.
photo-1-16230257389871452258683-1623029457.jpg

Trong tuần đầu tháng 6, cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục là tâm điểm của thị trường, với hàng loạt mã tăng 10-20%, cá biệt PGB tăng 34%. Trước đó vào tháng 5, nhóm này cũng là động lực lớn giúp VN-Index lên đỉnh cao mới. Cổ phiếu VCB của Vietcombank ( HoSE: VCB ) tăng hơn 5% sau khi là mã duy nhất giảm 1,4% trong tháng trước. 25 cổ phiếu ngân hàng còn lại đều có mức tăng giá trên 18%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM có những mức tăng mạnh nhất trong đó, BVB của Ngân hàng Bản Việt ( UPCoM: BVB ) tăng 80%, SGB của Saigonbank ( UPCoM: SGB ) tăng 66,4%, VBB của VietBank ( UPCoM: VBB ) tăng 62,3%...

Công ty chứng khoán cho rằng nguyên nhân tạo nên đà tăng cổ phiếu ngân hàng thời gian qua đến từ tốc độ tăng trưởng cao giúp ngành ngân hàng được nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cao hơn, các câu chuyện của từng nhà băng trong năm 2021 giúp đánh giá lại giá trị, và lãi suất vẫn tiếp tục ở mức thấp giúp mặt bằng định giá toàn thị trường (trong đó có ngành ngân hàng) cao hơn.

Mặt khác, hoạt động tăng vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược (LienVietPostBank, OCB, SHB, Vietcombank, TPBank, VPBank) hay ký kết hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền (HDBank, LienVietPostBank), sẽ là một trong những động lực tích cực thúc đẩy đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn 2021-2022.

Cổ phiếu ngân hàng trong sóng tăng vốn - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu VIB từ 2020. Ảnh: TradingView.

Vừa qua, một loạt ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước thông qua kế hoạch tăng vốn, hoặc công bố triển khai phương án nâng vốn điều lệ. Đơn cử Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận MB ( HoSE: MBB ) tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 9.795,6 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo phương án được đại hội cổ đông thông qua. Trước đó, MB có văn bản gửi NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lần 1 năm 2021. Tại phiên họp thường niên, cổ đông đã đồng ý phương án tăng gần 40% vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của MB.

ACB thông báo 11/6 là ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Trước đó, ngân hàng đã được chấp thuận cho ACB tăng vốn bằng hình thức phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%.

Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên hơn 27.000 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đầu tư các dự án chiến lược trong những năm tới.

HĐQT HDBank ( HoSE: HDB ) thông qua tăng vốn điều lệ năm 2021 qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% và phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).

Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 398 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020, nguồn vốn để phát hành từ lợi nhuận chưa phân phối đã được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định.

Tương tự, HĐQT VietinBank ( HoSE: CTG ) thông qua phương án phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức 2017-2018, tỷ lệ hơn 29%. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế trích lập các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và IV.

Cổ phiếu ngân hàng trong sóng tăng vốn - Ảnh 2.

VietinBank dự kiến phát hành 1 tỷ cổ phiếu. Ảnh: VietinBank.

Tại phiên họp thường niên năm 2021, ngân hàng được thông qua phương án chia cổ tức 2020 bằng tiền mặt và cổ phiếu, trong đó dự kiến chia bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, phần còn lại sẽ chia bằng cổ phiếu tỷ lệ 12% trường hợp đã tăng vốn điều lệ từ cổ tức 2017-2018 hoặc 17% trường hợp chưa hoàn thành. Cổ tức năm 2021 sẽ thực hiện theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và báo cáo cổ đông sau.

Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết nói chung và ngân hàng nói riêng trong quý II dự kiến vẫn ở mức cao do nền so sánh thấp cùng kỳ năm ngoái sẽ tiếp tục đưa mức P/E trượt 4 quý gần nhất về mức hấp dẫn hơn. Cùng với đó, xu hướng tăng vốn ở các nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất là ngân hàng và bất động sản, bên cạnh động thái tương tự của các công ty chứng khoán giúp mở rộng dư địa cho vay ký quỹ sẽ là các chất xúc tác quan trọng giúp thị trường vượt qua các nhịp biến động ngắn hạn và tiếp tục đi lên.

SSI Research tin rằng quán tính tăng điểm vẫn được duy trì ở nửa đầu tháng 6 nhờ động lực mạnh mẽ từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước. VN-Index có thể tiếp tục hướng về vùng mục tiêu tiếp theo 1.400 điểm và có thể đi xa hơn trong trường hợp hạn chế của hệ thống giao dịch được khắc phục vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, ngắn hạn hơn, SSI Research cũng thể hiện quan điểm thận trọng khi VN-Index và chỉ số VN30 đã tăng 23,59% và 40,5% từ đầu năm có thể sẽ kích hoạt mạnh cung chốt lời trong ngắn hạn khi các chỉ số tiếp tục tiến lên vùng điểm số cao hơn.