Nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam góp phần phục vụ xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII vào tháng 10/2022, sáng 28/7 đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Qua các tham luận, ý kiến từ hội thảo cho thấy, các đại biểu đã thống nhất rằng mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới, với mô hình mới, đó là công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa cần trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm.
Cần xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là sự nghiệp toàn dân; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số quốc gia và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Việt Nam cần thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn tới trên cơ sở xác lập lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra các đột phá phát triển và các cực tăng trưởng kinh tế.
Các ý kiến từ hội thảo cũng xác định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò là nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao là những những nhân tố đột phá chiến lược trong thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới.
Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là một số cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để tạo điều kiện để thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, cần phát huy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, ý chí tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo đề án nhấn mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề rất lớn, có tính chất phức tạp, không chỉ là những vấn đề của riêng Việt Nam mà còn gắn với những tác động, ảnh hưởng có tính toàn cầu.
Do đó, Việt Nam cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đặt ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính bao trùm, tổng thể và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển mới.