Công nhân lao động “buộc” phải rút BHXH một lần vì cuộc sống quá khó khăn?

Kỳ Văn
Có khoảng 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu, khám chữa bệnh… Đây có thể là nguyên nhân khiến người lao động quyết định rút BHXH một lần, dù biết là thiệt thòi về sau.

TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã thông tin vấn đề trên tại Hội thảo: "Tương lai nào cho người lao động nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội" , do báo Tiền Phong tổ chức, diễn ra sáng 10/6.

Cuộc sống khó khăn, công nhân lao động đổ xô rút BHXH một lần

Theo ông Tiến, hiện tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHXH chiếm tỷ trọng rất cao đến 95-97%. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là đối tượng cần đảm bảo an sinh xã hội nhất, cần tham gia BHXH nhất (người thu nhập thấp, người nghèo…) thì lại không tham gia. Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, nhiều người lao động ở khu vực đô thị và khu vực các khu công nghiệp tập trung đang gặp rất nhiều khó khăn.

null
Cuộc sống khó khăn sau dịch Covid-19 khiến người lao động rút BHXH một lần tăng mạnh. Ảnh: Quốc Hải

Không chỉ trong hiện tại, những khó khăn còn được dự báo kéo dài trong tương lai và chưa biết đến khi nào kết thúc.

"Thực trạng đáng lo ngại, hiện có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu, khám chữa bệnh… Mặt khác, công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao; nếu không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh", ông Tiến nói.

ts-vu-minh-tien-vien-truong-vien-cong-nhan-va-cong-doan-tong-lien-doan-lao-dong-viet-nam-1654904949.jpg

TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

"Tổ chức Tài chính vi mô CEP xây dựng các sản phẩm tài chính phù hợp, chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm lãi vay, gia hạn trả nợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn, đa dạng mở thêm các gói sản phẩm mới với mức vay ít (10-20 triệu đồng), thủ tục đơn giản, tăng cường phát vay hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên công đoàn, người lao động, chống tín dụng đen…"- Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM, đề xuất.

Thêm vào đó, theo Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, dù các cơ quan nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động còn chưa được giải quyết (lương thấp, nhà ở khó khăn, an sinh xã hội không đảm bảo…).

"Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng triệu người lao động dù biết là thiệt thòi về sau nhưng phải rút BHXH một lần vì cuộc sống quá khó khăn trước mắt. Một nguyên nhân khác là do người lao động lo sợ chính sách BHXH thay đổi và thiệt thòi hơn về sau", ông Tiến lý giải và kiến nghị, cần có công tác tuyên truyền đúng đắn cho người dân để hiểu rõ vấn đề này.

Công nhân lao động “buộc” phải rút bảo hiểm xã hội một lần vì cuộc sống quá khó khăn - Ảnh 4.

PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách Công & Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Đồng quan điểm, PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách Công & Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng cho rằng, sau dịch bệnh Covid-19, nhiều người lao động mất việc và sau khi dịch bệnh kết thúc vẫn chưa kiếm được việc làm gây khó khăn về kinh tế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến người lao động rút BHXH một lần.

"Qua khảo sát, độ tuổi rút BHXH một lần ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa, trung bình dưới 40 tuổi và hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Một nghiên cứu từ năm 2016 đến nay, đặc biệt là 2 năm trở lại đây có 4,8 triệu người rút một lần. Đây là một con số rất đáng chú ý", PGS.TS Giang Thanh Long dẫn chứng.

Kiến nghị sớm điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng

Để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM đề xuất, Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia từ ngày 1/7/2022.

Chính phủ sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng có nghiên cứu, đánh giá mức sống tối thiểu đảm bảo sự phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, để có tiền lương đủ sống cho người lao động.

Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tăng cường quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, tránh đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tăng giá, trục lợi.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm chế độ dành cho trẻ em là con của người tham gia bảo hiểm xã hội, để thu hút người lao động tham gia và đảm bảo an sinh khi hết tuổi lao động.

Công nhân lao động “buộc” phải rút bảo hiểm xã hội một lần vì cuộc sống quá khó khăn - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người lao động. Ảnh: Quốc Hải

"UBND TP.HCM có chỉ đạo Sở Công Thương cùng các Tổng công ty bán lẻ lớn TP.HCM tổ chức định kỳ, luân phiên các điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ công nhân lao động tại các Khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các khu nhà trọ đông công nhân lao động để đảm bảo cuộc sống cho họ", ông Đô kiến nghị.