Công ty Joton Lâm Đồng chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính tại kết luận của Thanh tra Chính phủ

Admin
Chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính tại kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ, Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng lại “xin” điều chỉnh nơi tiêu thụ, bổ sung khoáng sản đi kèm là cát thu hồi trong quá trình chế biến cao lanh.
cong-ty-joton-lam-dong-chua-thuc-hien-xong-nghia-vu-tai-chinh-tai-ket-luan-cua-thanh-tra-chinh-phu-1689505431.jpg
Công ty Joton Lâm Đồng chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính tại kết luận của Thanh tra Chính phủ

Chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản trả lời Sở Tài nguyên và Môi trường về việc Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng (gọi tắt Công ty Joton Lâm Đồng) “xin” điều chỉnh nơi tiêu thụ, bổ sung khoáng sản đi kèm là cát thu hồi trong quá trình chế biến cao lanh.

Theo đó, văn bản do ông Phúc ký nêu rõ qua rà soát phát hiện Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính theo Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ. Do đó, ông Phúc đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh, UBND thành phố Bảo Lộc, các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng chấp hành Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/7/2023.

Văn bản do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký nêu rõ Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính

Trước đó, ngày 5/7, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có báo cáo số 357/BC-STNMT gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc điều chỉnh nơi tiêu thụ, bổ sung khoáng sản đi kèm là cát thu hồi trong quá trình chế biến cao lanh của Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng đề nghị được bán 35% cao lanh nguyên khai khai thác hàng năm cho các nhà máy gạch men, gốm sứ đối tác của công ty gồm: Công ty Lixil, Viglecera, Minh Long, Thanh Thanh, Mỹ Đức, Taicerra, American Standark. Cùng với đó, công ty cũng đề nghị được phép sử dụng cát (khi chế biến cao lanh sẽ có một sản lượng khoáng sản đi kèm là cát) để phục vụ cho việc sản xuất thạch anh nhân tạo.

Báo cáo số 357/BC-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản phúc đáp Cục Khoáng sản Việt Nam, cụ thể đề nghị hướng dẫn Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng lập hồ sơ, thủ tục để khai thác khoáng sản đi kèm là cát trong quá trình sản xuất cao lanh theo quy định.

Đối với việc bán 50% cao lanh thô ra thị trường là chưa có cơ sở xem xét giải quyết do không phù hợp với quan điểm chỉ đạo về chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng và các quy định có liên quan; đề nghị Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng tập trung nguồn lực để chủ động đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, dây chuyền khai thác gắn với chế biến, tinh chế sản phẩm cao lanh, góp phần nâng cao gái trị gia tăng và thu hồi tối đa sản phẩm, tiết kiệm khoáng sản đầu vào.

Nhiều vi phạm

Ở một diễn biến khác có liên quan, ngày 5/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc; một số công ty khai thác cao lanh trên địa bàn Bảo Lộc, Bảo Lâm chấn chỉnh tình hình quản lý, hoạt động khai thác và sử dụng cao lanh theo đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường công bằng, lành mạnh trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Văn bản cho biết theo báo cáo của Sở Xây dựng về việc rà soát, đánh giá tình hình và hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng cao lanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 4 dự án đầu tư khai thác, chế biến cao lanh được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác cao lanh. Cụ thể, gồm: Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng; Công ty Cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng; TNHH thương mại và trồng trọt Tuấn Thiện, TNHH Anh Kiên. Tổng vốn đăng ký đầu tư 523,914 tỷ đồng, diện tích thực hiện dự án 210,986 ha; trữ lượng 17.648.184 tấn.

Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, các doanh nghiệp đã chủ động hoàn thiện các hồ sơ thủ tục về đất đai, môi trường, khoáng sản và xây dựng nhà xưởng, lặp đặt máy móc thiết bị để khai thác, chế biến cao lanh; báo cáo hoạt động khai thác khoáng sản; chấp hành lắp đặt trạm cân, camera giám sát và các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền.

Từ khi được cấp phép khai thác đến hết năm 2022, các doanh nghiệp đã khai thác 1.745.382 tấn cao lanh, nộp ngân sách nhà nước 174,010 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đơn vị chủ yếu khai thác cao lanh lộ thiên, xuất bán cao lanh thô cho các đơn vị tiêu thụ trong nước để sản xuất gạch men, gốm sứ, sơn; chưa thực hiện tốt bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác; chậm đầu tư máy móc thiết bị chế biến sâu, tinh chế cao lanh để nâng cao giá trị gia tăng (ngoài Công ty Cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm).

Song song với đó, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư vẫn còn trường hợp thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật và bị cơ quan chuyên ngành (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Thanh tra sở Kế hoạch đầu tư) xử phạt vi phạm hành chính.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng chấp hành và thực hiện đầy đủ các quy định về khoáng sản, đất đai, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước theo quy định,...

Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các công ty nêu trên, trong đó có Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng chấp hành và thực hiện đầy đủ các quy định về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong hoạt động khai thác chế biến, tiêu thụ cao lanh; kê khai sản lượng khai thác, chế biến, thuế, phí và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước theo quy định.

Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng cũng phải nhanh chóng hoàn thành các hồ sơ, thủ tục có liên quan đến dự án đầu tư còn thiếu, chưa hoàn chỉnh; xây dựng lộ trình chế biến sản phẩm sau khai thác, tập trung nguồn lực để chủ động đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, dây chuyền khai thác gắn với chế biến, tinh chế sản phẩm cao lanh; thực hiện hoàn chỉnh dự án đầu tư theo chủ trương đầu tư đã được cấp (giấy chứng nhân đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư).

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Công ty Cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng chấp hành và khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản theo các kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); hoàn thành trong quý II/2023.

Ngoài ra, định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, báo cáo tình hình hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu cao lanh gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo theo quy định.