Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm tại các tỉnh giá bao nhiêu?

Kỳ Văn
Các địa phương, cơ sở y tế mua kit test của Việt Á với giá khác nhau. Có nơi chỉ định thầu, nơi tổ chức đấu thầu.

Ngày 20/12, ngành y tế nhiều tỉnh miền Tây và miền Trung tiếp tục rà soát việc mua kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) do ông Phan Quốc Việt (41 tuổi) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Ông Việt là một trong 7 người vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam trong vụ nâng khống giá bán kit xét nghiệm SARS-CoV-2 hôm 17/12.

Trao đổi với Zing, ông Trương Văn Dũng, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Trà Vinh, cho biết đơn vị này sử dụng kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á từ năm 2020 đến nay. Khoảng một tuần qua, Việt Á ngưng cung cấp sinh phẩm vì ông Việt bị bắt.

“Chúng tôi sử dụng kit xét nghiệm của Việt Á từ trước đến nay. Công ty này ngưng cung cấp kit khoảng một tuần nên CDC không có hóa chất để xét nghiệm. Chúng tôi kiếm hóa chất của đơn vị khác để chạy trên máy của Việt Á nhưng gặp trục trặc. Còn giá kit bao nhiêu CDC không biết vì Sở Y tế đấu thầu”, ông Dũng nói.

Nhung tinh nao mua kit xet nghiem cua Cong ty Viet A anh 1

Sản phẩm của Công ty Việt Á. Ảnh: Báo Chính phủ.

Tại Bạc Liêu, Giám đốc CDC Trần Vĩnh An cho biết đơn vị từng sử dụng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á trong năm 2020. Khi đó, CDC Bạc Liêu mua máy xét nghiệm của Việt Á nên sử dụng sinh phẩm của doanh nghiệp này trong vài tuần.

“CDC Bạc Liêu sử dụng kit xét nghiệm của Việt Á trong thời gian ngắn rồi Sở Y tế chuyển sang mua của đơn vị khác. Giá mỗi kit xét nghiệm của Công Việt Á trên 350.000 đồng và tỉnh đã chi hơn 2 tỷ đồng để mua theo hình thức chỉ định thầu. Việc mua sắm này chúng tôi làm rất chặt chẽ, chọn giá thấp nhất để mua”, bác sĩ An chia sẻ.

Nói với Zing, bác sĩ Phạm Thanh Vũ, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, cho biết năm 2020 đơn vị này có sử dụng kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á. Tuy nhiên, do giá mua sinh phẩm trên 800.000 đồng một kit nên Bệnh viện Thanh Vũ ngưng sử dụng sau vài tháng lỗ chi phí xét nghiệm.

“Giá kit xét nghiệm của Việt Á bán cho chúng tôi 800.000-900.000 đồng. Lúc đó chúng tôi lệ thuộc kit này vì mượn máy xét nghiệm của Công ty Việt Á. Sau khi bệnh viện đấu thầu mua máy xét nghiệm, chúng tôi không sử dụng kit của doanh nghiệp này nữa”, bác sĩ Vũ nói.

Tại Sóc Trăng, Phó giám đốc Sở Y tế Trần Văn Dũng cho biết tỉnh sử dụng sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á với giá hơn 350.000 đồng mỗi kit. Tuy nhiên, CDC Sóc Trăng không trực tiếp mua của Việt Á mà thông qua đơn vị thứ 3.

Theo ông Dũng, ngành y tế tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa có chi phí để trả cho các hợp đồng mua kit xét nghiệm Covid-19 nên còn nợ đối tác.

Nhung tinh nao mua kit xet nghiem cua Cong ty Viet A anh 2

Nhân viên y tế Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm nCoV. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tại Đà Nẵng, theo thông tin từ hệ thống đấu thầu quốc gia, Công ty Việt Á đã trúng một số gói thầu tại CDC Đà Nẵng. Cụ thể, gói thầu mua sắm sinh phẩm để triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 công bố ngày 19/11/2020, có giá hơn 1,6 tỷ đồng, gồm 50 bộ/50 test, giá 26,25 triệu; 12 bộ/50 test khác hơn 25,4 triệu đồng mỗi bộ.

Ngày 24/4, CDC Đà Nẵng công bố gói thầu mua sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm virus corona (Covid-19) với hình thức đấu thầu rộng rãi, dự thầu qua mạng. Giá gói thầu gần 30 tỷ đồng, Công ty Việt Á trúng thầu với giá hơn 29 tỷ đồng (90.000 kit).

Zing nhiều lần liên lạc với Giám đốc CDC và Sở Y tế TP Đà Nẵng nhưng chưa nhận được phản hồi.

Tại Nghệ An, Giám đốc CDC Nguyễn Văn Định cho biết địa phương có 4 gói thầu (2 gói chỉ định, 2 gói đấu thầu rộng rãi) mua vật tư, sinh phẩm của Công ty Việt Á, trị giá khoảng 28 tỷ đồng. Theo ông Định, CDC Nghệ An xây dựng gói thầu xuất phát từ nhu cầu rồi trình UBND tỉnh chủ trương, mua với giá thấp nhất.

Nhung tinh nao mua kit xet nghiem cua Cong ty Viet A anh 3

Bị can Phan Quốc Việt bị bắt giam 4 tháng để điều tra. Ảnh: Bộ Công an.

Còn Giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Văn Đức cho biết thời điểm dịch mới bùng phát, CDC tỉnh có mua kit xét nghiệm của Việt Á thông qua Công ty cổ phần thiết bị y tế và dược phẩm Thừa Thiên - Huế. Trong quá trình mua sắm, đơn vị thông qua các quy định Nhà nước gồm thẩm định giá, tổ chức đấu thầu.

Đầu năm 2020, kit xét nghiệm của Công ty Việt Á được công bố trên cổng Bộ Y tế là 470.000 đồng, gồm kit định tính và kit tách chiết, hiện giá giảm còn 367.000 đồng. Tuy nhiên, giá công bố này khác với giá đầu thầu, khi tham gia đấu thầu sẽ giảm giá.

"Giá trên cổng Bộ Y tế chủ yếu dựa vào để xây dựng kế hoạch, còn khi tổ chức đấu thầu thì giá tham gia có thể mềm hơn, bớt giá để có tính cạnh tranh giữa các nhà thầu. Hiện, CDC tỉnh mua kit xét nghiệm tách chiết của hãng ABT với giá 42.000 đồng/kit”, ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, năm 2020, Công ty Việt Á cho CDC mượn một máy xét nghiệm Covid-19. Vị này khẳng định không dính đến chuyện thổi giá kit xét nghiệm.

Tại Quảng Nam, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh cho biết đơn vị không mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á mà mua của Công ty TNHH Medvision Việt Nam.

Năm 2020, Quảng Nam được tài trợ hơn 40.000 kit test, số sinh phẩm này được dùng từ tháng 7/2020 đến tháng 7 năm nay. Sau khi sử dụng hết số sinh phẩm được tài trợ địa phương bắt đầu mua sinh phẩm, kit test xét nghiệm dựa trên công bố của Bộ Y tế.

"Chúng tôi dựa vào bảng công bố của Bộ Y tế, từng giai đoạn họ sẽ cập nhật số sinh phẩm được bộ thông qua. Họ đưa lên những danh mục về test nhanh, kit chạy sinh phẩm, kit chạy rRT-PCR, trong đó thông tin cả hãng sản xuất, thông số kỹ thuật, giá và đơn vị cung ứng”, đại diện Sở Y tế Quảng Nam nói.

Từ tháng 7/2021, Quảng Nam có 4 đợt mua kit test của Công ty TNHH Medvision Việt Nam với tổng số 85.000 kit, giá 50.000-225.000 đồng. Ngoài ra, đơn vị được công ty này tặng hơn 28.000 kit.

Theo điều tra, Công ty Việt Á do ông Phan Quốc Việt thành lập. Tháng 3/2020, Việt và thuộc cấp khai lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu thiết bị xét nghiệm SARS-CoV-2 của các địa phương trên cả nước nên đã cùng ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) thỏa thuận để đơn vị cung cấp sản phẩm cho CDC Hải Dương sử dụng trước, sau đó mới hợp thức thủ tục đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Bộ Công an cho rằng Công ty Việt Á đã bán kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Trong đó, bị can Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Tuyến gần 30 tỷ. Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng vụ án đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước.