Các hoạt động hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19 và những người có hoàn cảnh khó khăn. |
Tình hình dịch bệnh Covid-19
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 323.268 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.288 ca nhiễm).
Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái.
+ Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (164.524), Bình Dương (55.601), Long An (16.552), Đồng Nai (15.602), Tiền Giang (5.619), Đồng Tháp (5.554).
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
- 12.756 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 20/8.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 132.815 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 666 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 24 ca.
- Ngày 20/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 390 ca tử vong:
Tại TP. Hồ Chí Minh (312), Bình Dương (41), Long An (8 ), Đồng Nai (7), Tiền Giang (7), Khánh Hòa (3), Sóc Trăng (3), Cần Thơ (2), Hà Nội (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Hải Dương (1), Nam Định (1), Trà Vinh (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 20/8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
Trong ngày 19/8 có 1.504.293 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 16.306.199 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.669.827 liều, tiêm mũi 2 là 1.636.372 liều.
Quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng hỗ trợ chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh
Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, quân đội đã sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân...
Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân Thành phố và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân để chống dịch, ổn định tình hình.
Bên cạnh giải pháp giãn cách nghiêm ngặt, Thủ tướng quán triệt không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. “Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời rất uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn”, Thủ tướng chỉ đạo.
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đặt mục tiêu trong giai đoạn từ ngày 15/8 đến 31/8 phải giảm tối đa trường hợp tử vong, không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng không được tiếp nhận điều trị; kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại một số quận, huyện.
Thành phố sẽ tiến hành đánh giá nguy cơ dịch bệnh cụ thể tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để có chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, làm sạch, mở rộng “vùng xanh”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”, để từ ngày 1/9 đến ngày 15/9 TP sẽ duy trì kiểm soát được lây nhiễm trong cộng đồng.
TP.Hồ Chí Minh giao Bộ Tư lệnh TP, Công an TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân; 400 trạm y tế lưu động tại các phường, xã có nhiều F0; xét nghiệm nhanh và RT-PCR toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ”; bổ sung thêm một số đối tượng nguy cơ cao…
Thành phố đề nghị hỗ trợ thêm hàng ngàn cán bộ y tế, hàng trăm đội lấy mẫu, xét nghiệm; một số xe xét nghiệm lưu động… Với tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 hiện nay, đến cuối tháng 8 TP.Hồ Chí Minh có thể đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vaccine.
Vẫn phát hiện nhiều ca cộng đồng, Hà Nội quyết định giãn cách xã hội đến 6/9
Ngày 20/8, Hà Nội tiếp tục phát hiện 81 ca mắc Covid-19 mới, với 38 ca ghi nhận tại cộng đồng. Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 2.490 ca, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.277 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.213 ca.
Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định thành phố sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày, kéo dài đến 6h ngày 6/9.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết thông tin trên tại cuộc họp báo chiều 20/8. Theo đó, Hà Nội bắt đầu cách ly xã hội từ ngày 24/7 với hai đợt, trong đó đợt hiện nay dự kiến kết thúc vào 23/8. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt việc người dân ra đường không có lý do chính đáng, hợp lý. Các nơi phong tỏa phải kiểm soát nghiêm, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho từng gia đình, từng người dân để nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài.
Trong một tháng giãn cách, số ca bệnh mới của thành phố trung bình từ 60 - 80 ca mỗi ngày, ngày cao nhất hơn 100 trường hợp. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực, bằng mọi biện pháp, tận dụng tối đa "thời gian vàng" các ngày giãn cách xã hội nhằm thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Qua đó, đảm bảo an toàn, kết hợp với các hoạt động xét nghiệm truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để các F0, kiểm soát để dịch bệnh không lây lan, bùng phát.
Đối với công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, tổng cộng đã có 10 đợt phân bổ vaccine với 1.919.500 liều các loại. Đến nay, thành phố đã tiêm được 1.710.521 liều, đạt 20,6%; công nhân tại khu công nghiệp đạt 48,5%
Đủ 2 điều kiện mới được vào Quảng Ninh
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo từ 12h ngày 20/8, người vào Quảng Ninh phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 bằng phương pháp RT- PCR trong thời gian 48 giờ và phải có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Riêng đối với lái và phụ xe tải, xe container chở hàng hóa liên tỉnh phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính tối đa 48 giờ kể từ giờ lấy mẫu, khuyến khích đã tiêm 2 mũi vaccine.
Đối với người về từ các địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng phải tiếp tục thực hiện cách ly y tế tập trung có trả phí 14 ngày tại khu cách ly tập trung, sau đó cách ly tại nhà 7 ngày, trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định.
Đối với công nhân, người lao động trong tỉnh, ngoại tỉnh đi làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương có xe đưa đón hàng ngày của doanh nghiệp đã đăng ký thì không yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Người đến Quảng Ninh trên phương tiện thủy nội địa phải có có xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT- PCR âm tính không quá 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu.
Nếu vận chuyển hàng từ các tỉnh cách Quảng Ninh quá 72 giờ di chuyển thì khi đến các bến thủy nội địa, các cảng trên địa bàn tỉnh phải thực hiện xét nghiệm bổ sung bằng test nhanh trước khi tiếp xúc với người khác.
UBND tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân không đi ra khỏi tỉnh nếu không có việc thực sự thiết yếu, trường hợp người ra khỏi tỉnh Quảng Ninh, phải có kết quả xét nghiệm RT-PCT âm tính trước khi đi để đảm bảo an toàn cho các địa phương khác (nơi đến). Khi trở về, phải xuất trình lại giấy xét nghiệm cũ do các cơ sở xét nghiệm của tỉnh Quảng Ninh cấp. Khi rơi Quảng Ninh phải viết giấy đăng ký tự nguyện cách ly tập trung khi trở về.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang khi ra tỉnh ngoài phải được sự đồng ý bằng văn bản của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.