Trong 24 giờ qua (từ 16h ngày 21/12 đến 16h ngày 22/12), Việt Nam ghi nhận 16.555 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 33 ca nhập cảnh và 16.522 ca ghi nhận trong nước (tăng 206 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.938 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.588.335 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.105 ca nhiễm).
Hà Nam phát hiện gần 800 F0 ở khu phong tỏa và tại nhà. (Nguồn: SK&ĐS) |
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay): TP. Hồ Chí Minh (497.162), Bình Dương (289.613), Đồng Nai (95.761), Tây Ninh (66.823), Long An (39.831).
Thủ tướng yêu cầu không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thông báo nêu rõ: Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế (theo Quyết định 4800/QĐ-BYT) cơ bản phù hợp, sát tình hình và đang được thực hiện có hiệu quả. Tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, số ca mắc, chuyển nặng và tử vong vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động xã hội trở lại bình thường, giao lưu đi lại của người dân tăng; còn tồn tại mầm bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh. Nhiều người dân có tâm lý chủ quan, chấp hành chưa nghiêm quy định 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng. Một bộ phận người dân chưa tiêm vaccine.
Số ca tử vong chủ yếu ở những người cao tuổi, người có bệnh lý nền, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine. Việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa được triển khai kịp thời ở một số nơi, dẫn tới bị động, lúng túng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số địa phương thiếu chủ động nguồn nhân lực, dựa nhiều vào lực lượng hỗ trợ của trung ương và địa phương khác.
Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, chưa có đánh giá chính thức về độc lực và khả năng kháng vaccine của biến chủng này, đồng thời không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, bộ ngành, cơ quan, đơn vị rà soát, rút kinh nghiệm, cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Văn bản nêu rõ: Để ngăn chặn ca lây nhiễm, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao; đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp.
Liên tục trong 4 ngày, Hà Nội có số ca bệnh nhiều nhất cả nước, 1 tuần phát hiện hơn 4.200 F0 qua test nhanh
Sở Y tế Hà Nội tối 22/12 thông báo 24 giờ qua ghi nhận thêm 1.646 ca Covid-19 mới tại 306 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, 483 ca cộng đồng ghi nhận tại 135 xã, phường thuộc 28/30 quận, huyện.
Trong 1.646 ca mắc mới ngày 22/12 còn có 1.074 ca tại khu cách ly và 89 ca tại khu phong tỏa.
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (230); Hà Đông (165); Long Biên (139); Ba Đình (134); Đông Anh (132); Bắc Từ Liêm (96); Hai Bà Trưng (93).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) đến nay là 32.044 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng có 11.639 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 20.405 ca.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, từ 15/12 đến cuối giờ chiều 21/12, có hơn 4.200 ca dương tính khẳng định qua test nhanh kháng nguyên tại 30 quận/huyện/thị xã.
Số ca dương tính ở Hải Phòng vượt 5.000 ca, người trong 'vùng đỏ, cam' đi chợ bằng phiếu
Tính đến 18 giờ ngày 22/12/2021, toàn thành phố Hải Phòng ghi nhận thêm 292 ca dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 5.044 ca. Đáng chú ý, trong số này hầu hết là dân tự nguyện đi làm xét nghiệm và diện F1 của F0 trước đó.
Theo CDC Hải Phòng, trong ngày 22/12, toàn thành phố ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 9 trường hợp, hồi phục xuất viện 1.580 ca, số ca đang điều trị hiện nay là 3.455 ca.
Hà Nam phát hiện gần 800 F0 ở khu phong tỏa và tại nhà
Tối 22/12, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cho biết, trong ngày trên địa bàn ghi nhận 19 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 13 F0 được phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà.
Luỹ kế trong đợt dịch mới từ ngày 19/9 đến nay, tỉnh Hà Nam ghi nhận 1.684 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.
Trong số đó, 793 trường hợp phát hiện ở khu phong tỏa, tại nhà; 574 trường hợp phát hiện tại các khu cách ly; 55 trường hợp tại cộng đồng và 262 trường hợp qua sàng lọc tại các cơ sở y tế.
TP. Phủ Lý là địa phương có số ca mắc cao nhất của tỉnh Hà Nam với 711 trường hợp. Rất nhiều F0 được phát hiện ở khu vực phong tỏa và tại nhà.
Trong đợt dịch mới, tỉnh Hà Nam đã phát huy hiệu quả vai trò của 4.709 tổ Covid-19 cộng đồng và 270 chốt liên ngành, kiểm soát dịch tại các khu vực giáp ranh, khu vực phong toả, giãn cách, khu cách ly tập trung.
Hiện toàn tỉnh Hà Nam còn 2.152 F1 đang cách ly y tế (trong đó 120 người đang cách ly tập trung và 2.032 người cách ly tại nhà)