Từ 17h ngày 23/10 đến 17h ngày 24/10, Việt Nam ghi nhận 4.045 ca nhiễm mới. |
24 giờ, từ 17h ngày 23/10 đến 17h ngày 24/10, ghi nhận 4.045 ca nhiễm mới. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (+296), TP. Hồ Chí Minh (+217), Đắk Lắk (+193).
Khẩn trương tập huấn Nghị quyết 128 và Hướng dẫn 4800 cho các địa phương
Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" (Nghị quyết 128) và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 (Hướng dẫn 4800).
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ các địa phương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương thực hiện ngay một số nhiệm vụ:
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức tập huấn (trực tiếp hoặc trực tuyến) cho các địa phương trên cả nước về Nghị quyết 128 và Hướng dẫn 4800 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương từ đó nâng cao nhận thức, thống nhất thực hiện trên toàn quốc. Trong quá trình tổ chức thực hiện, vừa làm vừa kịp thời sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá, điều chỉnh quy định về cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chịu trách nhiệm cập nhật, công bố công khai cấp độ dịch của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, quy trình chung; tạo sự thống nhất trên toàn quốc, bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp và các đơn vị hành chính cấp xã, thôn có căn cứ thực hiện thuận lợi.
Các địa phương được yêu cầu nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch mới phát sinh, kiên trì thực hiện các biện pháp đã được chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương; bám sát các quy định tại Nghị quyết 128, Quyết định 4800 và căn cứ điều kiện thực tiễn của địa phương để đánh giá cấp độ dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể để áp dụng các biện pháp y tế, hành chính phù hợp với từng cấp độ dịch, từng địa bàn.
Dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, vì vậy khi thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vẫn phải quán triệt, tuân thủ nghiêm phương châm: "5K + vaccine + điều trị + công nghệ và tích cực tuyên truyền, vận động, đề cao ý thức của nhân dân". Khuyến khích các địa phương rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, có các giải pháp sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Tập trung nâng cấp, tăng cường năng lực hệ thống y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị của hệ thống y tế cấp xã để phân loại, điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Từng bước bổ sung trang thiết bị y tế cho các khu điều trị ở tầng 3 tại các bệnh viện đang điều trị F0. Tăng cường năng lực xét nghiệm cho các địa phương; hướng dẫn các địa phương thực hiện việc mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, lắp đặt hệ thống bồn oxy lỏng phục vụ điều trị.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong việc đưa đón người từ địa phương này sang địa phương khác, bảo đảm an toàn y tế, an ninh trật tự và an sinh xã hội cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau, Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ và tổ chức tiêm khoa học, an toàn, hợp lý, hiệu quả, trong đó ưu tiên tiêm vaccine cho những đối tượng nguy cơ cao, tại các địa bàn đang có dịch.
Đối với các địa bàn thuộc "vùng cam", "vùng đỏ" phải thiết lập ngay và đưa vào vận hành các trạm y tế lưu động, bảo đảm người dân được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, tránh quá tải tuyến trên. Tại các địa bàn khác, phải có phương án cụ thể, bảo đảm sẵn sàng khi có yêu cầu.
Bộ trưởng Y tế: Nguy cơ bùng phát dịch rất lớn
Tại Hội nghị đánh giá 10 ngày thực hiện Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát Covid-19, chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lo ngại khi một số tỉnh xuất hiện các ổ dịch mới mà nguồn lây chủ yếu từ người về từ vùng dịch.
Về cơ bản hiện đã kiểm soát được tình hình dịch tại các địa bàn trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương khác. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về này, như Phú Thọ, Thanh Hóa, Nam Định hay một số tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.
Các địa phương phải rà soát, kiểm soát người về từ TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo. Phải giám sát chặt chẽ, tiến hành xét nghiệm, cách ly... theo hướng dẫn.
Người đứng đầu ngành y tế nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc các địa phương phải coi công tác phòng chống dịch là trọng tâm để giữ được thành quả chống dịch đã có.
Liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, thông tin tại hội nghị cho thấy, qua 10 ngày triển khai thực hiện Nghị quyết 28 và Quyết định 4800 các địa phương cơ bản đáp ứng và linh hoạt triển khai theo tinh thần thực tế của địa phương. Tuy nhiên vẫn còn một vài nơi áp dụng cứng nhắc.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu mục tiêu, trong tháng 10 đạt bao phủ mũi 2 cho người trên 65 tuổi ở mức tối thiểu 80%; trong tháng 11 đạt mức bao phủ tương tự đối với người trên 50 tuổi. Có những địa phương làm tốt nhưng có những địa phương chưa đạt được tốc độ tiêm như mong muốn. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương đã được phân bổ vaccine phải tăng tốc tiêm chủng và tuân thủ việc cập nhật dữ liệu thông tin người tiêm lên nền tảng tiêm chủng theo đúng hướng dẫn.
Một tiêu chí quan trọng khác là các địa phương phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điều trị, phải đảm bảo giường bệnh cho tình huống có nhiều ca mắc, có máy thở, có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, có oxy… để khi dịch xảy ra thì kiểm soát được và giảm tối đa số ca tử vong. Đồng thời phải đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực điều trị cho cán bộ y tế.
Về lưu thông, vận chuyển hàng hoá và đi lại của người dân, các cấp độ dịch đều được thực hiện… nhưng phải đảm bảo tuân thủ 5K và các biện pháp phòng chống dịch.
Liên quan đến công tác xét nghiệm, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 4800.
Liên quan đến việc cách ly, phong toả phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý các địa phương cần phong tỏa và cách ly nhỏ nhất có thể: chỉ vài nhà trong một ngõ hay một vùng nhỏ trong 1 xã, phường. Trong vùng phong toả, cách ly nhỏ cần làm xét nghiệm nhiều vòng lặp lại.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 888.940 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.027 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 884.177 ca, trong đó có 803.161 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (425.121), Bình Dương (228.840), Đồng Nai (61.532), Long An (34.227), Tiền Giang (15.626).
Tình hình điều trị Covid-19
(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.314
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 805.978
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.899 ca, trong đó:
- Thở oxy qua mặt nạ: 2.045
- Thở oxy dòng cao HFNC: 405
- Thở máy không xâm lấn: 80
- Thở máy xâm lấn: 350
- ECMO: 19
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 53 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (30), Bình Dương (12), Đồng Nai (5), Long An (2), An Giang (2), Tây Ninh (1), Bạc Liêu (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 68 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.673 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 89.574 xét nghiệm cho 186.901 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 21.639.660 mẫu cho 59.163.726 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19Trong ngày 23/10 có 936.739 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 72.929.311 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 51.883.474 liều, tiêm mũi 2 là 21.045.837 liều.